Kinh tế

Tín dụng chờ được ‘tháo ngòi’

T.Hằng 08/01/2024 14:00

Mức lãi suất cho vay đang ở vùng hợp lý, kèm với đó một lượng tiền lớn dự định sẽ được đẩy ra vào năm 2024 này. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, tăng trưởng tín dụng có cơ hội được cải thiện.

anhtren.jpg
Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục hạ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.

Lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành vào năm 2023, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức tín dụng, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định, thời điểm đầu năm 2023, lãi suất là câu chuyện rất gay gắt nhưng đến giai đoạn nửa cuối năm, các ngân hàng thương mại đã có ý thức cao trong vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân. Chính vì vậy, đến nay mức lãi suất cho vay trung bình đã xuống rất thấp.

"Có thể nói, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên. Mặt bằng lãi suất chung đã giảm và đã xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn, đến năm 2024 sẽ không còn duy trì mức này" - ông Tú nhấn mạnh.

Theo thống kê của NHNN, trên thị trường dân cư, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022.

Các chuyên gia nhận định, khi nguồn tiền trong ngân hàng được huy động với lãi suất cao cho vay hết thì sẽ sử dụng đến nguồn tiền huy động với lãi suất thấp. Lúc này, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Do đó, lãi suất cho vay trong khoảng thời gian đầu năm 2024 được dự báo giảm nhẹ.

Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75%-1,0%. TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng dự báo, lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể giảm thêm để tương xứng với mức lãi suất huy động khá thấp hiện tại.

Kèm với đó, mục tiêu NHNN đưa ra tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tính ra sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa ra nền kinh tế. Như vậy, tín dụng có nhiều cơ hội để tăng trong năm 2024 này.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều DN cho rằng, lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại cho kỳ trung hạn từ 3-5 năm vào khoảng 6,5% là hợp lý.

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, xu hướng lãi suất thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục giảm, bởi dòng vốn giá rẻ chảy về ngày càng nhiều giúp các ngân hàng đang có dư địa để giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra do thừa vốn nên các ngân hàng cũng có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau để thu hút khách vay tiền. Các ngân hàng cũng đang tận dụng quy định của Thông tư 06/2012 của NHNN về việc cho phép vay từ ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp và người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi và nhận được nhiều ưu đãi hỗ trợ từ ngân hàng.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để hỗ trợ cộng đồng DN nói riêng và nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn, ngoài các giải pháp mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai thời gian qua, cần nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong đó cần tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoả để hỗ trợ tăng trưởng.

Về phía DN, để đáp ứng được quy luật cung cầu thị trường thì luôn phải tự chủ trong kinh doanh, lường trước mọi rủi ro. DN cần cơ cấu và xác định lại nguồn lực cũng như huy động vốn, trang thiết bị công nghệ, đặc biệt là trang thiết bị đảm bảo đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngân hàng sẽ tư vấn cho các DN để có thể thu hút và tận dụng những nguồn tài chính xanh mà ngân hàng trong nước và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đang cung cấp.

Với lĩnh vực xuất nhập khẩu, các tổ chức tín dụng đã áp dụng dịch vụ bao thanh toán, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có thể xuất nhập khẩu. Ngành ngân hàng cũng đang hướng tới việc kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán nhằm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa có đủ năng lực về sản xuất, kinh doanh.

T.Hằng