Hỗ trợ người cao tuổi không có lương hưu
3,3 triệu người trên cả nước được nhận gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1 và tháng 2 của năm 2024 vào kỳ chi trả. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều người cao tuổi không có lương hưu hay bất kỳ trợ cấp xã hội nào.
Người nghỉ hưu phấn khởi
Còn một tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng bà Đỗ Thị Trúc (73 tuổi) - trú phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội đã nhận được tiền lương hưu gộp 2 tháng 1 và 2. “Giờ nhận lương hưu qua 2 hình thức là trả trực tiếp và trả qua tài khoản nhưng tôi vẫn chọn đến lấy trực tiếp. Chi trả trực tiếp giờ rất nhanh không phải đợi lâu, hơn nữa là dịp để mọi người gặp nhau nên tôi vẫn chọn lĩnh lương hưu trực tiếp” - bà Trúc chia sẻ.
Là một trong những người được nhận số tiền chi trả gộp cao tại điểm chi trả lương hưu ở Bưu điện Trung tâm Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Quế ở thị trấn Văn Điển cho hay bà còn nhận ủy quyền lĩnh hộ người thân trong gia đình. Trong đó, lương hưu mà bố chồng của bà Quế đang hưởng hiện cao bậc nhất huyện Thanh Trì với hơn 16 triệu đồng/tháng, còn bà Quế sau nhiều lần tăng lương hưu, đến nay mỗi tháng bà nhận 3 triệu đồng.
Việc chi trả sớm và gộp 2 tháng lương tạo điều kiện cho người nghỉ hưu có thể vui Xuân đón Tết tốt hơn. Dự kiến trong đợt chi trả này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chi khoảng 36.000 tỷ đồng cho người hưởng. Tại Hà Nội, theo BHXH TP Hà Nội, kỳ chỉ trả tháng 1 và tháng 2/2024, tiền mặt chi từ ngày 5 - 9/1/2024. Số người chi trả hơn 340.000 người. Tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng (chi gộp 2 tháng). Chi trả qua thẻ ATM trong ngày 5/1/2024, số người hưởng là 250.000 người với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng (chi gộp 2 tháng). Đặc biệt trong đợt chi trả này Bưu điện Hà Nội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chi tiền Tết Nguyên đán cho 100% người hưởng các chế độ BHXH với số tiền là 300.000 đồng/người được chi trả qua ATM và chi trực tiếp tại các bàn chi trả.
Hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội
Thống kê từ Bộ LĐTBXH cho thấy, hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, BHXH, trợ cấp xã hội, người có công. Số còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình… Đáng chú ý, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn thấp so với mặt bằng mức sống hiện nay, nhiều người không chờ được 80 tuổi để hưởng lương hưu xã hội (trợ cấp hưu trí do ngân sách nhà nước chi trả cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH); mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng chưa được các địa phương quan tâm thực hiện. Ngoài ra, chính sách lương hưu đối với người cao tuổi về hưu trước năm 1995 chưa hợp lý, phổ biến ở mức 3,2 triệu đồng đến 4,8 triệu đồng, thấp so với những người cùng chức vụ công việc nghỉ hưu sau 1995, những khi điều chỉnh thì tăng đồng loạt theo cùng một tỷ lệ 10%.
Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong quá trình tổng kết thi hành 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, cơ quan soạn thảo ghi nhận vẫn còn hàng triệu người sau tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 80 tuổi không được hưởng lương hưu và cũng không được hưởng BHXH hàng tháng, hay trợ cấp hàng tháng.
“Không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng đồng nghĩa với việc không có bảo hiểm y tế dẫn đến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, chắc chắn số người sau tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tới 80 tuổi sẽ tiếp tục gia tăng do quá trình già hóa dân số Việt Nam diễn ra rất nhanh. Chính vì vậy, cần sớm có giải pháp đảm bảo an sinh tối thiểu cho nhóm đối tượng này” - ông Giang chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế trên tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Theo tính toán của Bộ LĐTBXH, với việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Theo bà Trịnh Thị Nguyệt - chuyên gia Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), để hướng tới phát triển bền vững bao trùm, toàn diện trong đó có thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và dịch chuyển công bằng, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Đặc biệt, quan tâm đến người yếu thế: người khuyết tật, người cao tuổi, lao động di cư…