Quyết liệt xử lý vi phạm an toàn thực phẩm
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người tiêu dùng.
Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa diễn ra, các ngành cho hay: Năm 2023 ngành Y tế đã kiểm tra hơn 382 nghìn cơ sở, phát hiện 34,5 nghìn cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12 nghìn cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19,3 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1,6 nghìn cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Ngành Công thương kiểm tra hơn 8,3 nghìn vụ, xử lý hơn 6,77 nghìn vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7,1 nghìn vụ với hơn 7 nghìn đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng…
Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2,1 nghìn người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).
Tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý ATTP tại địa phương, nhất là cấp xã, phường; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP; xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm. Cùng với đó là việc kiến nghị cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ về ATTP liên thông trên toàn quốc, có sự tham gia, phản ánh trực tiếp của người dân kết hợp với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm ATTP.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, mỗi bộ, ngành tăng cường quản lý ATTP theo chuỗi giá trị, phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm; tập trung thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực gây ảnh hưởng tác động lớn đến sức khỏe con người; chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tiếp cận, hài hòa với quốc tế.
Liên quan đến giám sát ATTP, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về công tác ATTP năm 2024. Theo đó, mục tiêu mà kế hoạch đặt ra là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Nâng cao kiến thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Cùng với đó là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về ATTP. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội.
Tại kế hoạch này, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối, thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP của thành phố. Ngoài thực hiện công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực ngành Y tế, Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã duy trì và phát triển các mô hình bảo đảm ATTP trong lĩnh vực: Dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trường học hoặc khu công nghiệp…
UBND TPHCM cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực phẩm dịp cuối năm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TPHCM cho biết, để đảm bảo ATTP cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã lập 11 đoàn kiểm tra, tập trung vào khâu sản xuất, đặc biệt là những kho hàng, những nguyên liệu tập kết để chuẩn bị cho sản xuất. Từ nay đến Tết, đơn vị sẽ tập trung nhiều hơn ở các khâu phân phối, từ các chợ đầu mối đến chợ truyền thống, các siêu thị. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, ATTP, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn mác, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm; qua đó, sớm phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi theo quy định của pháp luật.