Giáo dục

Hỗ trợ sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Ngọc Quang 08/01/2024 08:54

Chính phủ đã đồng ý phương án các trường đại học (ĐH) thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81. Việc tăng học phí là bất khả kháng nhưng vẫn khiến không ít người lo lắng.

bai-tr13.jpg
Học sinh tìm hiểu về chương trình đào tạo, học phí tại gian tư vấn của một trường đại học trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: DUYÊN PHAN.

Nghị định 81 cho phép từ năm học 2022-2023 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu giữ ổn định học phí trong 2 năm học vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện tự chủ ĐH mà học phí không tăng thì không thể đảm bảo chất lượng giáo dục.

Nhưng tăng học phí thế nào và các chính sách để đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho người học là điều cần phải tính.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí kịch trần của các trường ĐH tự chủ “là con dao hai lưỡi”, vì học phí ngoài việc đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên (SV) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Nói như PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thì mặt bằng học phí ĐH công ở Việt Nam tương đối thấp, “nhưng mức thu không quá “bèo”.

Một số ý kiến còn cho rằng, các trường ĐH cũng có thể tiết kiệm được khá nhiều nếu tiến hành thực chất việc chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, các chi phí hành chính khác, chi phí có được từ vận động doanh nghiệp... Lo ngại về chi tiêu trong trường, có ý kiến còn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có kênh giám sát và cảnh báo các trường về việc này.

Như vậy, vấn đề hiệu quả quản lý ĐH rất cần đặt ra.

PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, theo tinh thần Luật Giáo dục ĐH, tự chủ ĐH không phải là tự lo về tài chính mà để các trường tăng thêm điều kiện đảm bảo chất lượng. Luật cũng quy định các trường ĐH phải thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về các nội dung hoạt động, trong đó có nội dung về học phí và sử dụng học phí. Các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với học phí. Ở đây cần có giám sát của người dân và xã hội.

“Như vậy, nếu làm đúng theo luật thì không phải các trường muốn tăng học phí ra sao cũng được” - ông Bình nhấn mạnh.

Rõ ràng, chi phí học ĐH luôn là mối quan tâm lớn của xã hội, nhất là với gia đình nông thôn và người lao động thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê từ Bộ GDĐT, năm 2023, có gần 20% thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 không nhập học. Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra, có nguyên nhân do học phí ĐH cao hoặc tăng mạnh.

Xu hướng tăng học phí ĐH là tất yếu vì các trường không thể không tăng thu khi phải tự chủ tài chính. Tuy nhiên, điều đó rất có thể sẽ dẫn đến việc con nhà nghèo học giỏi cũng đành phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi con đường học vấn. Mỗi năm phải chi cả trăm triệu đồng (cả học phí lẫn tiền trọ và sinh hoạt phí) cho con học ĐH rõ ràng là quá sức với người làm công ăn lương thu nhập ở mức 10 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Thiện Duy (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), tăng học phí liên quan trực tiếp đến SV, vì vậy việc hỗ trợ SV tiếp cận các nguồn vốn tín dụng là vô cùng cần thiết. Hiện nay hầu như các trường đều có quỹ tín dụng hỗ trợ SV nhưng làm chưa đồng bộ và độ phủ đến SV chưa như mong muốn. “Vấn đề ở đây là nguồn từ đâu vì nếu tận dụng hoàn toàn vào nguồn vốn từ nhà nước thì không được, chúng ta đang làm nguồn xã hội hóa” - ông Duy nhấn mạnh.

Vậy, SV nào được quyền vay vốn để đi học? Điều 2 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 05/2022/QĐ-TTg quy định về đối tượng được vay vốn như sau: Học sinh, SV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH (hoặc tương đương ĐH), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: Học sinh, SV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. Học sinh, SV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật…

Ngọc Quang