'Điểm mờ' trong việc khai thác cát giáp ranh giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc
Nhiều năm nay, hoạt động khai thác cát diễn ra ở địa phận giáp ranh giữa thị trấn Tây Đằng - xã Phú Châu, thị trấn Tây Đằng - xã Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) và thị trấn Tây Đằng - xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Cạnh đó, bờ vở bị sạt lở, nhà nước phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để kè.
Đứng trên bờ, nhìn xuống dòng sông đang có 4 con tàu công suất lớn hút cát, anh N. V. T. (khu 2, xã Cao Đại) cho biết: Hoạt động hút cát diễn ra ở lòng sông nhiều năm nay rồi. Kéo theo đó, bờ sông chỗ bãi trồng chuối của nhà tôi bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo chỉ dẫn của anh T., phóng viên có mặt thì thấy cả trăm mét bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sát mép bờ, hàng trăm cây chuối đổ nghiêng ngả. Cách đó không xa, 4 con tàu công suất lớn đang cắm vòi xuống lòng sông để hút cát.
“Xã Cao Đại không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát, chỉ phía bên thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) có Công ty Quảng Tây được cấp. Việc bãi sông bị sạt lở, tôi vẫn chưa nhận được phản ánh, tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra ngay”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Cao Đại cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, ngày 27/5/2015, UBND TP Hà Nội có văn bản số 93 về việc cho phép Công ty Cổ phần Quảng Tây được khai thác cát làm vật liệu xây dựng san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại bãi nổi sông Hồng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba vì, thành phố Hà Nội). Diện tích khu vực khai thác 20ha, mức sâu +6,5m, công suất khai thác 125.000m3/năm, thời hạn khai thác 10 năm.
Cấp phép là khai thác lộ thiên, nhưng không hiểu sao, theo ghi nhận của phóng viên, trong nhiều ngày đầu, giữa và cuối tháng 12, tại địa phận giáp ranh thị trấn Tây Đằng - xã Phú Châu (Ba Vì), thị trấn Tây Đằng - xã Chu Minh (Ba Vì) và thị trấn Tây Đằng - xã Cao Đại (Vĩnh Tường) xuất hiện rất nhiều tàu hút cát công suất lớn.
Khi được hỏi về biện pháp khai thác cát của Công ty Cổ phần Quảng Tây thì cả lãnh đạo thị trấn Tây Đằng và Phòng Tài nguyên môi trường huyện Ba Vì đều nói là không biết. Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Chủ tịch UBND xã Phú Châu thì khẳng định trên địa bàn không có mỏ cát nào được cấp phép, việc xác định địa giới ngoài sông là rất khó, phải ra trực tiếp mới định vị được.
Ngày 7/12, khi phóng viên gửi video về hoạt động hút cát cho Đội Cảnh sát đường thủy số 1- Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thì được xác nhận đó là của Công ty Quảng Tây. Tuy nhiên, khi được hỏi những tàu này có được phép khai thác hay không? Việc khai thác có đúng vị trí hay không?... thì nhận được trả lời: Người ta có mỏ thì người ta hoạt động, còn chính xác thế nào bọn em sẽ tiếp tục kiểm tra.
Mặc dù giấy phép ghi rõ là khai thác bằng phương pháp lộ thiên, tuy nhiên khi làm việc với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thế Sang - Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng Tây lại khẳng định mỏ của mình là mỏ bán nổi. “Không có cái máy xúc nào bay ra bãi nổi để múc cát được”, ông Sang cho biết.
Khi phóng viên hỏi phương án khai thác được duyệt thể hiện việc được sử dụng tàu hút để khai thác thì ông Sang không cung cấp mà chỉ đưa cho phóng viên văn bản số 942 ngày 18/3/2022 về việc đề nghị thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công công trình Khai thác cát làm vật liệu san lấp tại bãi nổi sông Hồng, thị trấn Tây Đằng của Sở Công thương Hà Nội. Theo nội dung của văn bản trên, không có chỗ nào thể hiện Công ty Cổ phần Quảng Tây được khai thác cát bằng tàu hút.