Tăng học phí đại học: Để không ai bị bỏ lại phía sau
Theo Nghị định 97 Chính phủ vừa ban hành, học phí các cơ sở giáo dục đại học công lập bắt đầu tăng từ năm học 2023 - 2024. Nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn bên cạnh việc tính toán tăng học phí phù hợp, nhà trường cần tăng cường các gói hỗ trợ, học bổng để chia sẻ gánh nặng với người học.
Phạm Doãn Mạnh - sinh viên năm 3 trường Đại học Thủy lợi cho biết, một trong những lý do em chọn Trường này là vì cùng ngành học nhưng một số trường khác đã chuyển sang cơ chế tự chủ, học phí cao hơn nhiều, gia đình em dù ở thị xã nhưng bố mẹ là công nhân viên chức bình thường, khó để trang trải mức học phí cao. “Hai năm vừa qua, dù trường không tăng học phí nhưng để nuôi 2 anh em học đại học và phổ thông, bố mẹ em cũng đã rất vất vả. Sắp tới, trường sẽ tăng học phí nên em sẽ cân nhắc tìm thêm một chỗ dạy gia sư nữa ngoài lớp đang dạy, đồng thời vẫn cố gắng không để trượt học bổng để bù đắp chi phí” - Mạnh nói và bày tỏ hy vọng nhà trường tăng thêm mức học bổng cho sinh viên hoặc có thêm các hình thức hỗ trợ khác khi học phí tăng.
Đây cũng là mong muốn của đa số sinh viên và phụ huynh bởi trong bối cảnh hiện nay, học phí nhiều trường đại học công lập ngày càng cao, thậm chí ở mức ngang ngửa với các trường tư thục. Mặc dù điều kiện học tập, cơ sở vật chất tốt hơn nhưng đây cũng là rào cản không nhỏ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) cho biết, trong học kỳ I năm học 2023 - 2024, toàn thể sinh viên vẫn tạm nộp học phí như năm học trước. Sắp tới trường sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định mức học phí kỳ II. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ quan tâm tới chế độ học bổng đối với những sinh viên có kết quả học tập tốt, nỗ lực vươn lên trong học tập, cũng như quan tâm đối tượng sinh viên đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần tạo công bằng xã hội và cơ hội phát triển, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều trường đại học cũng thông báo các gói học bổng và hỗ trợ tài chính để giảm áp lực người học. Theo đó, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho hay, hàng năm trường đều có học bổng và hỗ trợ tài chính theo chính sách của nhà nước và quy chế của trường nhằm giúp sinh viên khó khăn có thể đến trường.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cho biết, năm học 2024 - 2025, trường sẽ triển khai chính sách học bổng 100% học phí học kỳ I (tương ứng 12,5 triệu đồng), áp dụng toàn diện cho 28 ngành. Đây là chính sách đặc biệt trường áp dụng với mong muốn tạo ra cú hích, tạo động lực giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội bước vào ngưỡng cửa đại học với ngành mình yêu thích. Với mức hỗ trợ này, học phí các em đóng chỉ còn 42,5 triệu đồng/năm học.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã rà soát và dự kiến tăng khoảng 8% mức học phí đang áp dụng. Đồng thời, trường cũng nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học cũng như tạo môi trường khởi nghiệp tốt nhất cho sinh viên. Riêng về các gói hỗ trợ sinh viên khó khăn, sinh viên gia đình chính sách... Đại học Bách khoa Hà Nội luôn quan tâm đến những đối tượng này. Năm học 2022 - 2023, nhà trường đã dành khoảng 68 tỷ đồng cho công tác này.
Tăng học phí đi kèm với chất lượng là mong muốn của toàn xã hội. Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho người học, các trường đại học cần đa dạng nguồn thu, mở rộng, tìm kiếm các nguồn kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ người học.