Tăng tốc chuyển đổi số
Chủ động công tác chuyển đổi số giúp TPHCM trở thành địa phương xếp thứ 2 cả nước về chỉ số chuyển đổi số quốc gia, dẫn đầu về thể chế số và hạ tầng số.
Nhiều chuyển biến tích cực
“Điểm sáng” trong chuyển đổi số của TPHCM có thể dẫn chứng qua công tác liên kết dữ liệu giữa các sở, ngành của thành phố với nhau và giữa các cơ quan/đơn vị của thành phố với bộ, ngành trung ương. Điển hình trong chuyển đổi số, ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết, việc chuyển đổi số các dữ liệu hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp… đã giúp ngành này tăng cường được hiệu quả, chất lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này. Đến nay, Sở Tư pháp TPHCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tạo lập được dữ liệu số hóa sổ hộ tịch 4 loại sổ gồm đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ con với tổng cộng 12,8 triệu hồ sơ được số hóa. Trong đó, có hơn 11,1 triệu hồ sơ đủ điều kiện chuyển chính thức lưu trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và đã chuyển thành công hơn 10,7 triệu hồ sơ (đạt 97%).
Đánh giá về kết quả chuyển đổi số của ngành tư pháp TPHCM, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp tập trung vào hai việc mà Sở Tư pháp TPHCM đã làm rất hiệu quả trong năm qua. Đó là công tác tư vấn pháp lý để giải quyết các vụ việc cụ thể, phức tạp và chuyển đổi số. Trong đó, con số 484 vụ việc mà Sở Tư pháp thành phố đã tư vấn pháp lý trong năm 2023, được UBND thành phố và Bộ Tư pháp đánh giá cao.
Không chỉ riêng lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM đã tham mưu UBND thành phố đưa vào vận hành cổng thông tin chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số và đô thị thông minh với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đáng chú ý, thành phố cũng là địa phương sớm hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung; ban hành 600 dịch vụ công trực tuyến và hệ thống này đã thiết lập cấu hình 617/740 dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, TPHCM cũng được chọn làm địa phương đăng cai tổ chức tuần lễ chuyển đổi số hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố đã tổ chức các hoạt động quảng bá nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số và tổ chức hoạt động ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Không chỉ đối với TPHCM, theo ông Đức, vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định vùng này phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Tuy nhiên, theo ông Đức chuyển đổi số cũng đối diện không ít thách thức, trong đó để có thể chuyển đổi số thành công, yếu tố con người mới là quan trọng. Do đó, để thực hiện tốt và hiệu quả công tác chuyển đối số trong các lĩnh vực phải nhìn rõ bản chất của vấn đề để xác định đâu là mấu chốt, đâu là vướng mắc, từ đó tập trung xây dựng công cụ, cơ chế.
Tiếp tục xử lý các tồn đọng
Cuối năm 2023, Sở TTTT TPHCM đã chủ trì tổ chức chương trình “Diễn tập an toàn thông tin mạng TPHCM 2023” trong 5 ngày (26-29/12). Kết quả đợt diễn tập đã phát hiện ra khoảng 41 lỗi liên quan đến bảo mật trên Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội và Hệ thống Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn TPHCM. Thông qua diễn tập, TPHCM nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng lưới, vốn là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Ngoài tăng cường tính liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của thành phố để đảm bảo an toàn thông tin, việc giải quyết các khâu hồ sơ tồn đọng, các thiếu sót trong chuyển đổi số cũng được UBND TPHCM quan tâm, chỉ đạo khắc phục. Đó là các hạn chế về việc một số hệ thống chưa liên thông đồng bộ các nguồn dữ liệu với nhau; nguồn nhân lực có chuyên môn cao thực hiện chuyển đổi số vẫn hạn chế; đầu tư trang thiết bị, hạ tầng thông tin chưa đồng bộ. Để chủ động khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác chuyển đổi số, tại tọa đàm bàn giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện một số nội dung trọng tâm của Đề án 06/CP trên địa bàn TPHCM, lãnh đạo UBND thành phố đã đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp để hoàn thiện tính năng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dân cư và phần mềm VNeID. Đồng thời, các Sở TTTT, Sở Tư pháp TP tích cực tham gia hỗ trợ các Sở, ngành liên quan để khai thác tối đa tính năng về thống kê hỗ trợ. Trong đó, cần nghiên cứu treo thưởng cho người dân khi có góp ý, sửa các lỗi trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dân cư.