Làm gì để giữ Ca trù?
Được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2009, cho đến nay gần 15 năm, nhiều nghệ nhân vẫn băn khoăn, trăn trở rằng bao giờ ca trù mới thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp?
Khoảng lặng tiếc nuối
Tại thời điểm kiểm kê, xây dựng hồ sơ Ca trù trình UNESCO những năm 2005 – 2009, số liệu cho thấy lượng nghệ nhân Ca trù thời kỳ đó chỉ còn 21 người đang cư trú trên địa bàn 15 tỉnh thành. Những nghệ nhân còn sống hiện đã tuổi cao, sức yếu, sự minh mẫn suy giảm, không còn đủ điều kiện để thực hiện trao truyền kinh nghiệm, vốn liếng, kỹ năng, khả năng sáng tạo, thực hành Ca trù của mình cho thế hệ con cháu.
Trong khi đó, Ca trù là loại hình biểu diễn khó học, khó thực hành nếu chưa nắm chắc các kỹ năng, kỹ thuật trình diễn. Muốn học Ca trù phải được tiền bối chỉ dạy kỹ lưỡng, trực tiếp theo cách truyền nghề.
Nghiên cứu Ca trù nhiều năm, PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bày tỏ nỗi buồn, sự lo lắng khi nhiều nghệ nhân tiêu biểu, xuất sắc của Ca trù như cố NSND Quách Thị Hồ, NNND Nguyễn Phú Đẹ, NNND Nguyễn Thị Chúc, NNND Nguyễn Văn Mùi, NNND Nguyễn Thị Vượng, Đào nương Phan Thị Nga, Phan Thị Mơn… đã ra đi.
Ông Toàn dẫn chứng, những nghệ nhân còn sống vẫn tích cực cố gắng giữ lửa, truyền nghề, nỗ lực đóng góp để di sản Ca trù sớm được phục hồi, hưng thịnh. Rất tiếc, tuổi tác các bậc nghệ nhân này đã rất cao, sức khỏe đang dần suy giảm như NNND Nguyễn Thị Khướu 94 tuổi (CLB Chanh Thôn), NNƯT Ngô Văn Đảm 94 tuổi, NNND Chu Chí Cang 87 tuổi, NSƯT Phó Thị Kim Đức cũng ngoài 80 tuổi…
Tiếp nối các bậc nghệ nhân cao tuổi tại Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng có đại diện chủ thể di sản Ca trù vẫn rất hăng hái, tích cực, yêu nghề, hành nghề Ca trù. Họ vẫn kiên trì “chạy tiếp sức” cùng cộng đồng, xã hội để sớm đưa di sản Ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Trong số những gương tiêu biểu đó có chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội - NSƯT Bạch Vân, NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm CLB Ca trù Thái Hà, NNƯT Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long… nay đều ở độ tuổi trên dưới 50, 60 tuổi. “Bên cạnh đó, lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn 14 tỉnh thành phố có di sản Ca trù có nhiều người có khả năng, năng lực nghệ thuật, quản lý nhưng chưa thực sự được quan tâm, chưa được động viên kịp thời, đầy đủ để giúp cộng đồng, cá nhân có thể tận tâm cống hiến, phát huy hết khả năng, năng lực mỗi người trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy tốt nhất Ca trù trên địa bàn cả nước” - ông Toàn nhìn nhận.
Nguy cơ thất truyền
Có thể nói, để Ca trù thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp lại còn rất nhiều việc cần làm, phải làm và nhiều vấn đề cần được đặt ra.
Theo bà Bạch Vân, sau khi Ca trù được UNESCO ghi danh đến nay, chúng ta chưa có những chính sách quan tâm đặc biệt dành cho loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc biệt nay còn đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Diện mạo Ca trù nguyên gốc vẫn chưa được cộng đồng di sản phục hồi tốt; diện mạo Ca trù cổ trong đời sống đương đại chưa thật sự hoàn chỉnh từ hình thức đến nội dung như từng có… Không gian thực hành nghệ thuật Ca trù cổ chưa hoàn toàn được tái tạo được đúng và đa dạng như Ca trù cổ truyền nguyên mẫu.
Bà Bạch Vân cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cơ chế kinh tế thị trường chi phối đã là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng, tác động tới mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của Ca trù trong cuộc sống mới. Nhiều CLB, đơn vị trình diễn Ca trù do không định hướng tốt mục tiêu, con đường bảo vệ, gìn giữ di sản Ca trù được lâu dài, bền vững mà đã đi lệch hướng. Nhiều đơn vị trình diễn Ca trù biến di sản thành phương tiện để kiếm sống thuần túy. Cách làm đó, lối nghĩ “sinh kế tức thì” đó phần nào làm ảnh hưởng, giảm bớt hay làm mất dần những giá trị đặc sắc riêng của nghệ thuật Ca trù.
Trong dòng chảy đương đại, Ca trù không thuần túy là di sản văn hóa phi vật thể mà cần trở thành tài sản, là phương tiện tốt giúp tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động bảo tồn Ca trù cần đa dạng, sáng tạo phù hợp từng điều kiện, hoàn cảnh mỗi địa phương, đơn vị tổ chức Ca trù để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ di sản Ca trù sống bền vững trong đời sống đương đại.
Theo PGS.TS Lê Văn Toàn, cộng đồng Ca trù cùng toàn xã hội nên sớm có kế hoạch xây dựng những quan tâm đặc biệt, những kế sách chi tiết, tổng thể cho hoạt động đào tạo, thực hành, sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ di sản Ca trù trong các giai đoạn 3 năm, 5 năm, 10 năm. Đồng thời gấp rút đầu tư, hỗ trợ để giúp Ca trù sớm thoát khỏi tình trạng di sản cần bảo vệ khẩn cấp.