Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động
Hiện cả nước có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Thống kê trong năm 2023, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt khoảng 155.000 người.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến nay, đã có hơn 40 thị trường tiếp nhận người lao động (NLĐ) Việt Nam. Ông Peter Hồng - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất chế tạo như cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử…; hoặc làm việc ở lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ… Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đã đánh giá NLĐ Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, làm việc năng suất, chất lượng.
Là địa phương có số lượng kiều bào và công dân lao động ở nước ngoài nằm trong top đầu cả nước, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đánh giá, bên cạnh việc tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động này cũng giúp quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Sau khi trở về nước, nhiều người tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao.
Tuy nhiên, theo bà Mai, công tác kết nối giữa cơ quan Ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động với các công ty hoạt động lĩnh vực này chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là về nhiệm vụ bảo hộ công dân và công tác chuẩn bị các thông tin về văn hóa, xã hội nước sở tại cho NLĐ.
Tương tự, ông Peter Hồng cũng cho rằng, lao động người Việt Nam cũng đang còn nhiều hạn chế như tính cạnh tranh về tay nghề lao động, tính kỷ luật của NLĐ chưa cao. Trong khi đó, một số cơ sở, công ty xuất khẩu lao động hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp...
Ông Đinh Hữu Quang - thành viên CLB Doanh nhân trẻ Sydney (Australia) đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn các chương trình hợp tác quốc tế về lao động, đào tạo nguồn nhân lực. Các chương trình hợp tác đa phương với những nước tiếp nhận lao động cũng cần được khuyến khích. Đặc biệt cần chú trọng các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho NLĐ, nhất là đối với nhóm lao động phổ thông.
“Trước khi ra nước ngoài, mọi người cần dành thời gian tìm hiểu kỹ về luật pháp, văn hóa và phong tục tại quốc gia sở tại để tránh đối mặt với rủi ro và luôn tuân thủ luật lệ. Gia đình cũng cần giám sát, quản lý chặt chẽ con em mình, thường xuyên trao đổi để nắm bắt khó khăn. Đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi để có biện pháp can thiệp kịp thời” - ông Quang nói.
Bàn về các giải pháp hỗ trợ NLĐ, ông Peter Hồng chia sẻ, trước hết cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong đó trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; ưu tiên đưa lao động kỹ thuật có tay nghề đi làm việc ở những thị trường có thu nhập tốt, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này sau khi về nước. Ngoài ra, cần giảm chi phí tối đa cho NLĐ, hạn chế những chi phí phát sinh để thu hút đông đảo lực lượng tham gia. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát NLĐ làm việc ở nước ngoài, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật.
Đại diện Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM mong muốn, thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của NLĐ và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu về tình trạng của họ tại nước sở tại, những khó khăn và thách thức mà họ đang đối mặt cũng như cơ hội để cải thiện, nâng cao các chương trình và dự án liên quan đến xuất khẩu lao động.