Giáo dục

Cải thiện tiền lương cho nhà giáo

Thu Hương 10/01/2024 11:06

Cải cách toàn diện tiền lương theo hướng trả theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc từ ngày 1/7/2024 là một bước tiến bộ, đảm bảo ghi nhận sự đóng góp thực tế của giáo viên nói riêng cũng như người lao động nói chung. Tuy nhiên, cần quy định chi tiết về vị trí việc làm để làm căn cứ đánh giá hiệu quả công việc một cách chính xác...

anhcover.jpg
Làm sao để nhà giáo sống được bằng lương là mong muốn của tất cả giáo viên và cũng là của toàn xã hội. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Chỉ thị số 29 ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Bộ Chính trị chỉ đạo các đơn vị có chính sách ưu đãi giáo viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Kỳ vọng “sống được bằng lương” và… sự chờ đợi

Tháng 7/2023, mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ 1.490.000 đồng mỗi tháng lên 1.800.000 đồng. Như vậy, sau khi kết thúc tập sự hưởng 85% lương, ở bậc 1 giáo viên mầm non được nhận 4.703.100 đồng; giáo viên tiểu học được nhận 5.243.940 đồng; giáo viên THCS, THPT được nhận 5.033.340 đồng. Mức lương cao nhất giáo viên được nhận là hơn 12 triệu đồng. Ngoài lương, mỗi giáo viên tùy vị trí, nơi công tác, có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp sau: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù.

Như vậy, mức tiền thực lĩnh sẽ không cố định với từng giáo viên mà phụ thuộc vào từng hạng bậc, thời gian công tác… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, so với biến động giá cả, thu nhập của giáo viên vẫn đang ở mức thấp. Đặc biệt, mức lương giáo viên vừa ra trường so với nhiều ngành nghề khác là rất thấp, khó đảm bảo đời sống sinh hoạt. Ngay cả với những giáo viên có tuổi nghề hơn 20 năm, mức lương nhận về cũng khá khiêm tốn.

Bà Lê Anh Thu, 48 tuổi, giáo viên cấp THCS ở Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ, hiện đang giữ bậc 5 ở hạng III với mức lương gần 6,6 triệu đồng mỗi tháng. Bà đang làm hồ sơ để lên bậc I của hạng II, hưởng lương 7,2 triệu đồng. Thêm các khoản phụ cấp khác, mức lương bà thực nhận là hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Không có khoản nợ phải trả nào nhưng bà Thu cho biết, mình có một con vừa vào đại học, một con đang học phổ thông nên riêng tiền học phí cần đóng của các con cũng là vấn đề nan giải.

“Lương cơ sở vừa tăng được mấy tháng thì đón nhận tin tăng học phí. Dù nằm trong dự liệu nhưng tôi vẫn phải tính toán, chắt chiu để chuẩn bị nộp học phí kỳ 2 cho con” - bà Thu tâm sự.

Mức lương thấp, chật vật bám trụ với nghề, làm thêm một số công việc khác ngoài giờ lên lớp để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống như bán hàng online, tư vấn bảo hiểm… Chỉ một số thầy cô có thể dạy thêm do phụ huynh, học sinh có nhu cầu, còn rất nhiều giáo viên khác không sống bằng nghề mà phải bươn chải, mưu sinh ở những vị trí khác nhau nên khó toàn tâm toàn ý với nghề. Thậm chí, vì tiền lương không đủ sống, nhiều nhà giáo dù đã được vào biên chế, đã cống hiến hàng chục năm trong ngành vẫn quyết định rời bỏ. Thống kê từ tháng 8/2020 đến 8/2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc.

Làm sao để nhà giáo sống được bằng lương là mong muốn của tất cả giáo viên và cũng là của cả xã hội bởi với ngành nghề đặc thù là dạy dỗ, truyền đạt tri thức, rèn kỹ năng, nếp sống cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều tâm huyết, công sức, mới mong đạt kết quả tốt nhất. Nếu còn phải bươn chải, lo lắng về cơm áo, gạo tiền hàng ngày thì khó yêu cầu nâng cao chất lượng. Thấu hiểu điều đó, ngành giáo dục và nhiều đời Bộ trưởng đã có những kiến nghị, đề xuất với mong muốn cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo. Trong đó, nỗ lực lớn nhất được ghi nhận là tại Nghị quyết 29-NQ/TW đã đưa nội dung "Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, đến nay điều này vẫn chưa được hiện thực hóa, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW. Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

mam-non-ba-dinh320231222144940.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá lương giáo viên vẫn ở mức thấp. Ảnh: Thu Hương.

Cấp bách tăng lương cho giáo viên

Mức lương của giáo viên dù đã được tăng thêm theo chính sách tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 và tới đây sẽ tiếp tục điều chỉnh từ 1/7/2024. Đối với giáo viên, những thay đổi so với hiện nay đó là sau cải cách, ngoài lương cơ bản và phụ cấp như hiện nay, giáo viên sẽ có thêm tiền thưởng. Cụ thể, theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương) và bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Trong đó, sẽ bỏ phụ cấp thâm niên và phụ cấp công tác công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định trả lương theo vị trí và công lao trong công việc của người lao động là một chính sách hợp lý, nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Song đối với những giáo viên có nhiều năm tuổi nghề, điều này là một sự nuối tiếc bởi sau hàng chục năm gắn bó, cống hiến trong ngành, được hưởng mức phụ cấp thâm niên cũng là một sự ghi nhận đối với những người có đóng góp lâu năm.

Bà Lê Ánh Tuyết, trường THCS Trần Phú, Phủ Lý (Hà Nam) cho biết, với hơn 20 năm trong nghề, khi bãi bỏ phụ cấp thâm niên, thu nhập của bà sẽ giảm khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức tiền thưởng chưa rõ nên bà Tuyết dự kiến mọi chi tiêu trong gia đình sẽ phải tính toán cắt giảm và nỗ lực hơn nữa trong công việc.

Để không bị ảnh hưởng tới thu nhập của giáo viên có thâm niên tuổi nghề, chính sách cải cách tiền lương cũng quy định cụ thể phải đảm bảo quỹ phụ cấp chiếm 30% so với tổng quỹ lương của công chức. Như vậy, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương và thêm tiền thưởng nên tổng thu nhập sẽ tăng, không bị giảm. Trong khi đó, đối với giáo viên mới tham gia giảng dạy, thu nhập sẽ được cải thiện đáng kể, là động lực quan trọng để thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cải cách toàn diện tiền lương theo hướng trả theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc từ 1/7/2024 là một bước tiến bộ đảm bảo ghi nhận sự đóng góp thực tế của giáo viên nói riêng cũng như người lao động nói chung. Tuy nhiên, cần quy định chi tiết về vị trí việc làm để làm căn cứ đánh giá hiệu quả công việc một cách chính xác. Ông Nhĩ cũng nhấn mạnh, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên để trả lương tùy vị trí việc làm, tính chất công việc, ngành nghề cần được tính toán kỹ lưỡng, cân đối để không xảy ra tình trạng "lương tăng, thu nhập giảm", giúp nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề. Đồng thời, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, sinh viên sư phạm tuyển dụng vào khối trường công lập với những chính sách tiền lương hợp lý, cạnh tranh với khu vực doanh nghiệp và tư nhân.

Bên cạnh đó, một số giáo viên đề xuất cần cân nhắc xem xét về việc chia giáo viên làm 3 hạng như hiện nay bởi nhiều giáo viên làm công việc như nhau, giáo viên cùng giảng dạy, giáo dục học sinh; thực hiện định mức giảng dạy như nhau, thi đua, khen thưởng như nhau,…nhưng lại chia thành các hạng khác nhau khó tạo công bằng. Đó là chưa kể hiện chỉ có quy định thăng hạng, chưa thấy có quy định nào xuống hạng với những giáo viên thực hiện công việc chưa hiệu quả, thậm chí bị kỷ luật... Giáo viên được bổ nhiệm hạng cao thì gần như suốt đời xếp ở hạng cao theo một số chuyên gia là chưa hợp lý, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền lương đã có những thay đổi phù hợp với thực tiễn.

Dự kiến mỗi năm tăng lương 5-7%

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến sau năm 2024, tiền lương sẽ tăng 5-7% mỗi năm để trong một thời gian ngắn, mức lương thấp nhất của khu vực công chức sẽ đứng ngang bằng với khu vực sản xuất.

Như vậy, sau khi thực hiện cải cách tiền lương, có thể từ 1/7/2024, các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm, lương giáo viên cũng sẽ được tăng thêm từ 5-7%.

Cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Tại Nghị quyết số 01 Chính phủ ban hành về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ yêu cầu hoàn thành xây dựng vị trí việc làm trước 31/3/2024; ban hành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới trong tháng 5/2024.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31/3/2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Thu Hương