Xã hội

136 giảng viên trường Đại học Quảng Bình bị nợ lương và bảo hiểm nhiều tháng

Xuân Thi 10/01/2024 12:51

Do công tác tuyển sinh gặp khó khăn, lúc cao điểm trường Đại học Quảng Bình có 10.000 sinh viên, nay chỉ còn 1.000 sinh viên dẫn đến số giảng viên dôi dư nhiều và nhà trường không có nguồn thu để trả lương cho 136 giảng viên.

dai-hoc-quang-binh-n-01.jpg
Trường Đại học Quảng Bình. Ảnh: T.L

Ngày 10/1, thông tin từ trường Đại học Quảng Bình cho biết, đang tìm giải pháp tháo gỡ việc nợ lương của 136 giảng viên cũng như tìm nguồn nộp hơn 2 tỷ đồng bảo hiểm của cán bộ nhân viên nhà trường.

Trước đó vào tháng 12/2023, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Quảng Bình có buổi làm việc với Ban Thường vụ Công đoàn trường nhằm tìm biện pháp đảm bảo chế độ cho giảng viên.

Cụ thể, 136 giảng viên không thể bố trí việc làm, rơi vào cảnh bế tắc. Hiện tại 136 giảng viên này đã bị nợ lương từ 2 đến 8 tháng. Một số giảng viên có vợ và chồng cùng giảng dạy tại đây không có thu nhập nhiều tháng nên gặp không ít khó khăn về tài chính trong trang trải cuộc sống. Nhà trường cũng đã thông báo, không có nguồn chi trả lương từ tháng 1 đến hết tháng 3-2024 cho 136 giảng viên này.

3-286-.jpg
136 giảng viên trường Đại học Quảng Bình đang bị nợ nhiều tháng lương. Ảnh: T.T

Lãnh đạo Trường Đại học Quảng Bình cho biết, lý do nợ lương là công tác tuyển sinh gặp khó khăn. Lúc cao điểm trường có 10.000 sinh viên, nay chỉ còn 1.000 sinh viên dẫn đến số giảng viên dôi dư nhiều.

Trước mắt, nhà trường quyết định tạm dừng hợp đồng đợt 1 đối với 27 giảng viên, nhân viên do không bố trí được lịch giảng, giờ làm việc với lý do không có sinh viên.

Ngoài nợ lương, Trường Đại học Quảng Bình cũng nợ hơn 2 tỷ đồng tiền BHXH đối với cán bộ, công nhân viên nhà trường. Cùng với đó, do tắc trách của kế toán khiến 99 cán bộ giảng viên khác của trường đã qua 10 ngày của tháng 1/2024 vẫn không được nhận lương tháng 12/2023.

Trường Đại học Quảng Bình hiện có 236 viên chức và người lao động, trong đó có 154 giảng viên và 82 viên chức công tác hành chính, nhân viên phục vụ. Trong số 236 viên chức và người lao động, có 99 viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 137 viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ tài chính tự chủ đơn vị.

Cách đây 2 năm, nhận thấy khó khăn trong tuyển sinh, Trường Đại học Quảng Bình đã trình lên cấp trên đề án giảng dạy bậc THPT nhằm tranh thủ nguồn lực chất lượng cao từ đội ngũ giảng viên, tránh nợ lương, bảo đảm con em Quảng Bình có cơ sở vật chất nhà trường tốt. Tuy nhiên, đề án không được thông qua dẫn đến khó khăn nối tiếp khó khăn.

Xuân Thi