Tinh hoa Việt

Bàn tay mẹ

LƯU THỊ HÒA 10/01/2024 13:30

Tiễn tôi ra đến tận đầu làng, mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại: Lên đó cố gắng mà học hành cho bằng chị, bằng em, con nhé! Lúc nào nhớ nhà thì viết thư về cho bố, mẹ!”

thanh-chuong-6.jpg
Tranh của họa sĩ Thành Chương.

Xe chuyển bánh, tôi cố nhoài người ra ô cửa kính. Bóng mẹ nhỏ dần, nhỏ dần... Tôi cố kìm nước mắt khỏi trào ra, và đây là lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ.

Quê tôi là một vùng chiêm trũng, quanh năm nước ngập trắng đồng. Con trâu đi cày, nước ngập ngang bụng. Mùa mưa bão, làng tôi như một ốc đảo nhỏ nhoi nổi trên mặt nước. Con đường trước làng gồ ghể, nước lõm bõm. Bọn trẻ chúng tôi đi học bằng thuyền hay bám chặt vào cánh tay người lớn. Tôi bé nhất nên được mẹ cõng trên lưng tận ra con đường cái...

Người quê tôi sống nhờ vào hòn đất. Cây cối trong vườn, trong ao cũng mọc lên từ hòn đất. Từ đôi tay chai sạn, đượm mùi bùn đất, mẹ tôi cũng nuôi được mấy anh em tôi học hành đến nơi đến chốn. Canh ba, mẹ đã trở dậy cùng tiếng gà gáy.

Đôi tay mẹ thoăn thoắt làm từ việc này đến việc khác. Nào nấu cơm, nào nấu cám hay phơi một mẻ rơm hôm qua còn ướt... rồi chăm bẵm đàn con... Quang gánh trên vai, mẹ lại cùng mọi người tất tả ra đồng. Cả cánh đồng lúa chín vàng ươm.

Những bông lúa trĩu hạt, ngả đầu vào nhau thầm thì trò chuyện. Hơi sương còn đậu trên các bờ cỏ mát lạnh. Mẹ vuốt thẳng những cây lúa đổ ở bờ ruộng. Vụ mùa này lúa tốt.

Ai cũng vui vẻ, hớn hở hẳn lên. Những tốp người cắt lúa xoàn xoạt, xoàn xoạt. Tiếng cười nói chộn rộn cả một vùng. Vài cơn gió thổi qua, sóng lúa dập dờn đuổi nhau tới tận chân đê. Bầu trời cao vời vợi, trong vắt.

Vất vả nhất là vụ tháng Mười. Cả cánh đồng chìm trong biển nước. Mang được hạt thóc hay đọn rạ về nhà quả là một công việc cực nhọc, một nắng hai sương của người dân quê tôi.

Mẹ tôi lại tranh thủ nghỉ trưa đi bắt cá, cứ lội hết ruộng này lại đến ruộng khác. Cái nơm trên tay, mẹ khéo tìm đến những đùm rạ ướt. Thế nào cũng có vài con cá trê đang làm tổ... Nhưng, cũng có hôm chẳng bắt được con cá nào, chỉ có vài con cua, con cá bé tí. Đã có lần, mẹ đi bắt cá lại bị rắn cắn ngay ở ngón tay đau điếng.

Mẹ tôi rất giản dị. Cái áo nâu sờn vải vá vai lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Mái tóc búi cao gọn gàng. Mẹ dạy anh chị tôi nấu nướng, dạy tôi cách quét nhà, rửa bát và khâu vá. Nhìn bàn tay mẹ nhanh thoăn thoắt, tôi cố gắng học theo. Bố tôi có vẻ bằng lòng lắm.

Thế mà có lần tôi trốn học. Mẹ biết. Người không nỡ mắng chửi nhưng nét mặt buồn thiu. Đôi tay lam làm của mẹ dường như chậm lại. Tôi sà vào lòng mẹ như một lời xin lỗi. Ấp bàn tay mẹ vào bàn tay mình, tôi cảm nhận được bàn tay mẹ đã bắt đầu hằn lên những vết nhăn, khô khốc...

Nhất là đợt tôi bị sốt cao. Mẹ chạy đôn, chạy đáo đưa tôi ra trạm xá, mẹ bón cho tôi từng thìa cháo. Bàn tay mẹ âu yếm xoa trên trán tôi. Tôi cứ chập chờn, chập chờn như mình còn bé bỏng. Tôi cảm nhận được từng hơi ấm từ bàn tay của mẹ - một thứ tình yêu sâu nặng, một tình mẫu tử thiêng liêng...

Không phụ công ơn bố mẹ, tôi học tiến bộ hẳn lên. Cuối năm ấy, tôi mang giấy khen và phần thưởng về khoe bố mẹ. Mẹ ấp tờ giấy khen vào người. Bàn tay mẹ khẽ run run... Bố hì hụi làm cái khung bằng tre để treo ngay trước bàn học của tôi...

Những năm đi học xa nhà, tôi càng nhớ gia đình, nhớ bố mẹ. Mỗi lần nhận được thư, tôi lại bồi hồi bao cảm xúc trào dâng. Kỷ niệm thời thơ bé ùa về... Bộ chắt chuyền mẹ vót, đôi guốc hoa xanh mẹ mua... hay cả nắm cơm bố nắm cho tôi khi mang lên trường. Tất cả hiện về như mới ngày hôm qua.

Mẹ! Mẹ đã sinh ra tôi, mẹ là nguồn cội, là sự sống, là bếp lửa của cả gia đình. Bàn tay mẹ đã chăm sóc và nâng đỡ chúng tôi. Mẹ cũng như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác - luôn bao dung và nhân hậu!

LƯU THỊ HÒA