Du lịch Ninh Bình năm 2024: Cơ hội và thách thức
Với quần thể núi đá vôi hùng vĩ xen kẽ cùng sông ngòi được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, Ninh Bình đã thu hút đông đảo du khách.
Tròn hơn 10 năm qua, du lịch Ninh Bình đã trải qua một quá trình phát triển ngoạn mục, trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch của khách quốc tế. Với quần thể núi đá vôi hùng vĩ xen kẽ cùng sông ngòi được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, Ninh Bình thực sự đã thu hút đông đảo du khách.
Sức hấp dẫn của miền đất cố đô càng trở nên mạnh mẽ kể từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Tuy nhiên trước những cơ hội mà thiên nhiên ban tặng, du lịch Ninh Bình cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức.
Thách thức về môi trường
Theo báo cáo của Sở du lịch Ninh Bình, năm 2023, Ninh Bình đã chào đón hơn 6,5 triệu lượt khách tham quan, một con số ấn tượng với mức tăng trưởng 77% so với năm trước. Trong đó, lượng khách nội địa chiếm ưu thế với trên 6,1 triệu lượt, còn khách quốc tế cũng đã đạt hơn 450 nghìn lượt. Mức doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.516 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022, phản ánh sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch tại đây.
Một trong những chỉ dấu dễ thấy nhất của sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Ninh Bình là sự gia tăng về số lượng cơ sở dịch vụ lưu trú. Từ chỉ khoảng 20 cơ sở được đăng ký trên các trang đặt khách sạn trực tuyến như Booking hay Agoda vào năm 2012, con số này đã tăng lên đến gần 500 cơ sở vào năm 2024. Sự gia tăng này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo ra một lượng lớn việc làm không chỉ cho người dân trong tỉnh mà còn cho tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa...
Trao đổi với PV, Giám đốc sản phẩm một hãng lữ hành từ Cộng Hoà Pháp cho biết:Sau khi tham quan khách sạn và nhà hàng, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thêm nhiều lựa chọn, lo vì những hệ lụy lớn về môi trường, tính độc đáo của sản phẩm và bản sắc riêng có của Ninh Bình đang bị “thị trường hoá”, đang bị “lai tạo”và “biến dạng”. Những cung đường nên thơ thì tràn ngập ô tô đỗ ngồn ngang khiến những trải nghiệm không còn được trọn vẹn.
Vấn đề môi trường là vấn đề sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức hút của du lịch. “Một điểm đến năm nay có thể đang vô cùng đông khách, nhưng ngay năm sau có thể sẽ chỉ còn một nửa hoặc tệ hơn, nếu như xảy ra một sự cố về môi trường. Ví dụ gần nhất là ở miền Bắc Lào, nơi mà vào đầu năm ngoái xảy ra một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng do thời tiết nắng nóng kèm theo việc người dân đốt rơm rạ khắp nơi thì ngay sau đó nhiều khách sạn ở Luang Prabang trống phòng dịp cao điểm. Gần đây hơn nữa là Hạ Long, khi báo chí và mạng xã hội đặt ra vấn đề về tình trạng ô nhiễm rác thải trên Vịnh Hạ Long, nhiều khách hàng của chúng tôi đã yêu cầu chuyển điểm đến”.
Một số công ty du lịch khi khảo sát khách sạn ở Ninh Bình khẳng định:Chúng tôi thấy họ chưa đầu tư đúng mức vào việc xử lý nước thải. Nước thải từ bếp và nhà hàng được đưa qua một bể lọc mỡ sơ sài, rồi đổ thẳng ra sông, ruộng. Có đoạn sông bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nếu tình trạng này tiếp diễn, việc bảo vệ các dòng sông và lạch nước trong xanh sẽ trở nên cực kỳ phức tạp.
Tình trạng ô nhiễm tầm nhìn, không kiểm soát được hoạt động xây dựng trái phép cũng là vấn đề ảnh hưởng đến du lịch Ninh Bình.
Thực tế hiện nay tại Tràng An là có quá nhiều công trình xây dựng, nhất là các nhà nghỉ và khách sạn. Sự gia tăng mật độ xây dựng cao, kể cả ở những khu vực sát chân núi, cùng với kiến trúc không đồng nhất và thiếu phù hợp với bối cảnh văn hóa địa phương, đang làm mất đi tính đặc sắc và cảnh quan tự nhiên của Ninh Bình…
Sản phẩm lai tạo, thiếu bản sắc
Một thách thức nữa mà ngành du lịch Ninh Bình phải đối mặt là sự thiếu đa dạng trong các hoạt động và sản phẩm du lịch. Hiện tại, chương trình tour của hầu hết các công ty lữ hành tập trung vào 3 hoạt động chính: đi thuyền, đạp xe và tham quan đền, chùa. Tuy nhiên vẻ đẹp và nét văn hóa truyền thống của Ninh Bình không chỉ có những hoạt động này. Sự thiếu vắng của các hoạt động văn hóa thường xuyên như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa, tham quan bảo tàng, khiến các đơn vị lữ hành gặp khó khăn trong việc thiết kế các chương trình du lịch dài ngày hơn ở Ninh Bình và khó khăn trong việc đưa du khách quay trở lại.
Hiện nay cơ sở lưu trú cho khách du lịch lên đến con số gần 500, nhưng các cơ sở có nét độc đáo về kiến trúc, bài trí, cảnh quan nội khu và đủ khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số vẫn là các mô hình homestay do các hộ gia đình tự đầu tư và tự vận hành. Một số cơ sở mới quá chú trọng vào số lượng phòng nhưng dường như lại lãng quên yếu tố chất lượng và trải nghiệm khách hàng.
Giải pháp nào để bứt phá?
Khi nói đến chất lượng của sản phẩm du lịch, không thể không kể đến yếu tố cốt lõi nhất, mang tính quyết định, đó là con người, mà cụ thể hơn là nhân lực làm du lịch. Số lượng nhân lực, văn hóa phục vụ, kỹ năng và trình độ nghiệp vụ là yếu tố then chốt để tạo nên sự bứt phá cho du lịch Ninh Bình hiện nay.
Thời kỳ phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cho đến hiện tại, nhiều khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, mặc dù tất cả đều chấp nhận tuyển dụng người chưa qua đào tạo và sau đó sẽ đào tạo tại chỗ qua thực tiễn. Đại diện một resort có tiếng ở khu vực Tam Cốc cho biết: Chúng tôi đặc biệt khó tuyển dụng được những nhân sự có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, chưa kể những ngoại ngữ hiếm khác. Ngay cả nhân sự F&B (nhà hàng, bếp - PV) hay nhân viên buồng phòng, cũng không dễ. Người đã qua đào tạo về các chuyên môn này thì càng khó. Nhiều bạn trẻ thành thạo ngoại ngữ thì họ thích ở lại các thành phố lớn. Những bạn học hết phổ thông thì có xu hướng chọn đi làm ở các khu công nghiệp, vốn đòi hỏi ít khắt khe hơn ngành dịch vụ lưu trú.
Ninh Bình có nhiều lợi thế về nhân lực, nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Ninh Bình có giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với các “vựa” nhân lực đến từ các tỉnh lân cận. Ninh Bình có trường đại học Hoa Lư mà trong số các ngành đào tạo có chuyên ngành du lịch – khách sạn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái du lịch, Ninh Bình hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực du lịch cho toàn bộ khu vực. Một cơ sở lưu trú trên địa bàn cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đại học Hoa Lư, đón nhận sinh viên đến học tập thông qua làm việc thực tế, thậm chí đặt hàng với họ. Với số lượng hàng trăm cơ sở lưu trú nằm ngay gần thành phố Ninh Bình như hiện nay, thì việc phát triển mô hình liên kết đào tạo này là rất thuận lợi”.
Trong bối cảnh du lịch Ninh Bình đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức. Để biến những thách thức này thành cơ hội, cần một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa việc bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và nâng cao chất lượng nhân lực. Trong số các khía cạnh đó, bảo vệ môi trường cần được xem xét như một ưu tiên hàng đầu và cấp bách, vì thực tiễn cho thấy rằng bất kỳ sự chậm chễ nào trong việc này đều sẽ gây ra những hệ lụy khó khắc phục. Kiểm soát nghiêm ngặt và toàn diện việc tuân thủ các quy định pháp luật về xử lý rác thải, nước thải, về trật tự xây dựng và duy trì cảnh quan tự nhiên sẽ không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá mà còn tạo dựng hình ảnh du lịch xanh, bền vững.
Sự đoàn kết, đồng lòng từ tất cả các bên liên quan như chính quyền địa phương đến doanh nghiệp và cộng đồng, là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững của du lịch Ninh Bình.