Ngành vật liệu xây dựng: “Hứng chịu” sự ảm đạm từ bất động sản
Thị trường bất động sản chững lại một thời gian dài, nhiều phân khúc thậm chí còn “án binh bất động” khiến hàng loạt lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến ngành nghề liên quan chặt chẽ đó là ngành vật liệu xây dựng.
Hiệu ứng đô mi nô
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhóm ngành vật liệu xây dựng hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của toàn ngành. Dự báo năm 2024, các doanh nghiệp (DN) trong ngành vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), các DN trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tập trung vào thị trường bất động sản hầu như đang đóng băng, thậm chí phải dừng hoạt động đột ngột. Bởi khi các dự án bất động sản gặp khó tất yếu tác động lên hoạt động của các DN ngành xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng.
Lường trước được những khó khăn của thị trường bất động sản, nhiều DN ngành vật liệu xây dựng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất, cắt giảm tối đa lực lượng lao động… Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến doanh thu của các DN trong ngành, thua lỗ là điều khó tránh.
Một DN trong ngành cơ khí cũng cho biết, trong suốt cả năm 2023, DN phải chống chọi với những biến động, khó khăn của nền kinh tế. Tác động của ngành bất động sản đã tạo ra những rào cản lớn khiến sản xuất của DN bị đình trệ. Chủ DN cơ khí này cho biết, trong suốt hơn 20 năm hoạt động, đây là thời điểm khó khăn nhất của DN, chưa tìm được hướng ra.
Là đơn vị chuyên cung cấp máy móc, dây chuyền thiết bị sản xuất gạch, vị chủ DN cho biết, hiện nay có đến khoảng 60 - 70% DN vật liệu không nung trên toàn quốc sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được.
Ngành gốm sứ xây dựng, gạch ốp lát sử dụng chủ yếu cho các công trình nhà ở, công trình xây dựng dân dụng… khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, những sản phẩm này không tìm được cách tiêu thụ. Hiện một phần sản lượng tiêu thụ của nhóm này trông đợi vào việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà dân. Nhưng lượng sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.
Tình cảnh tương tự diễn ra với ngành sản xuất vật liệu xây dựng lớn như xi măng. Mới đây, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) báo lỗ tới hơn 500 tỷ đồng. Đây cũng được coi là khó khăn điển hình và chưa từng xuất hiện trong lịch sử của ngành này.
Với ngành thép, tình hình không khá hơn. Số liệu của ngành này cho biết, sản xuất thép trong 10 tháng năm 2023 giảm sâu. Tiêu thụ thép giảm đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bê tông sản xuất 10 tháng năm 2023 ước đạt 129 triệu mét khối, giảm 14%. Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 174 triệu mét vuông, bằng 50% so với tổng công suất thiết kế, lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt khoảng 138,5 triệu mét vuông, bằng 79,6% lượng sản xuất.
Tìm cách vực dậy
Nhiều ý kiến cho rằng, dù 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật để kéo lại sự cân bằng phần nào cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng trong năm qua, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực này vẫn liên tục báo động về sự sụt giảm của ngành.
Các chuyên gia khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của ngành vật liệu xây dựng nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là do thị trường bất động sản không phát triển, thậm chí là suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bất động sản đến từng lĩnh vực của ngành vật liệu xây dựng có khác nhau. Với xi măng, ngoài việc đưa vào công trình, dự án bất động sản, sản phẩm này có thể tiêu thụ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cống, thủy lợi, thủy điện; đồng thời, xuất khẩu một phần cũng là giải pháp tạm thời.
Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới biến động bất ổn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nói chung và tiêu thụ vật liệu xây dựng nói riêng giảm sâu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, các DN vật liệu xây dựng cũng không thể trông đợi xuất khẩu là cứu cánh.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhận định, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn” để có thể vực dậy cộng đồng DN ngành vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp hết sức quan trọng, tạo đà để toàn ngành vực lên trong thời gian tới.
Về phía cộng đồng DN, theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN vật liệu xây dựng cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm nhưng phải giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, DN cần nỗ lực tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, quản lý, chú trọng tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, các DN cần lưu ý đến vấn đề môi trường như giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn… Đồng thời tăng cường khâu tiếp thị, linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.