Kinh tế

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

H.Hương 11/01/2024 08:21

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh… là mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2024.

anh-bai-tren(2).jpg
Ứng dụng công nghệ ­số của ngành Hải quan góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Minh Phương.

Năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ tăng ít nhất 10%

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Trọng tâm của Nghị quyết này là nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đồng thời thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

Theo đó, phấn đấu số doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, bức tranh về tình hình đăng ký DN trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2023 là 159.294 DN, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160.000 DN. Con số này gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Bên cạnh đó, số DN quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 DN, qua đó, góp phần đưa số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200.000 DN (217.706 DN), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số DN rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Tổng số vốn đăng ký mới của DN gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý của năm 2023: 310.331 tỷ đồng trong quý 1; 397.126 tỷ đồng trong quý 2; 379.319 tỷ đồng trong quý 3 và quý 4 đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực hơn

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để hỗ DN phát triển, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN về thủ tục thành lập, đất đai, thủ tục hải quan… thời gian tới cần hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn, đào tạo, lao động có tay nghề và đội ngũ chuyên gia.

Chia sẻ với báo giới, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói, bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN, để tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cũng như tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh, các cơ quan chức năng cần tiến hành nhiều giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa… trong đó, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là giảm chi phí kinh doanh cùng với cải cách việc thực thi pháp luật.

Để nâng cao chất lượng thực thi pháp luật, các DN kiến nghị tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch... Hơn nữa, các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của DN cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con vì nếu DN vi phạm thì đã có biện pháp tước giấy phép. Đồng thời, nên áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra DN để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật.

Năm 2023, cộng đồng DN gặp khó khăn rất nhiều trong phát triển thị trường, vậy nhưng số lượng DN thành lập và quay trở lại hoạt động vẫn cao, điều này cho thấy khả năng chống chịu và thích nghi của DN Việt ngày càng lớn. Đáng chú ý việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được đánh giá là “trợ lực” hữu hiệu, cần thiết nhằm tiếp sức cho DN duy trì sự phát triển trong những năm tiếp theo.

H.Hương