Tinh hoa Việt

Chờ đến mùa gió

THÁI HƯƠNG LIÊN 12/01/2024 08:27

Rong chơi mãi rồi cuối cùng gió mùa cũng chịu đến. Nó trải lên sân nhà, tán cây, mặt đất cái nắng hanh hao làm không gian trở nên khô và lạnh.

img_2952-thanh-chuong-2-.jpg
Minh họa: Thành Chương.

Gió mùa về luôn đem lại cho tôi cảm giác bâng khuâng khó tả. Sáng nay, bên hiên nhà hàng xóm bỗng có một cái mẹt nan xếp vài miếng cau tươi bé tí vừa bổ được đem phơi trong nắng.

Một bà già mặc áo len màu nâu ngồi trong nắng sớm đang tỉ mẩn gọt vỏ bổ phơi những miếng cau tươi rói vẫn còn tươm nước. Hình như nắng và gió lạnh đã đánh thức miền nhớ của bà cụ khiến bà thấy… tiếc cái nắng hanh hao này mà phải kiếm một cái gì đó đem phơi cho đỡ nhớ mà thôi…

Tôi thấy mình đang loăng quăng chạy nhảy trong cái xóm cũ với những mảnh sân nhỏ đầy nắng. Xóm nhỏ và mùa phơi của những năm thơ bé hiện ra ngay trước mắt. Màu nắng hanh vàng không chỉ đưa tôi về với mảnh sân nhỏ nhà mình mà còn cả mảnh sân của nhà những đứa bạn nhỏ trong xóm cũ.

Nơi đó chỉ vừa mới nhớ đến thôi đã thấy… thơm ngọt và thoáng qua có cả những lam lũ nhọc nhằn. Đấy là cái sân gạch mùa đông đợi nắng lên để phơi cau phơi sắn, để hong lại sợi miến làm bỏng mì, phơi lạc, thóc nếp để làm chè lam. Đấy còn là một mảnh sân đất nện lem luốc, mấp mô phơi những nắm than đen sì to như cái trứng ngỗng…

Những ngày nắng khiến chân tay nẻ toác chính là lúc cái xóm nhỏ ngày ấy của tôi trở nên nhộn nhịp. Tháng mười, tháng mười một là đỉnh điểm của nắng hanh nên sân nhà ai cũng luôn phải có một món gì đó đang cần phơi nắng. Bọn trẻ con chúng tôi đi học về đứa nào cũng có việc đợi sẵn.

Nhà tôi thì đến mùa này sẽ phơi cau khô, bởi cau là thứ hàng mẹ tôi chuyên bán. Khi trời nắng hanh, mẹ sẽ mua về thật nhiều cau quê để bổ phơi tích trữ, dành khi cau tươi khan hiếm là có ngay cau khô để bán. Nhất là dịp Tết, cau tươi đắt đỏ nên các cụ già ăn trầu thuốc sẽ rất thích món cau khô dẻo ngọt của mẹ tôi phơi. Lúc ấy, cau sẽ phải phơi lên cả mái nhà hay bất cứ chỗ nào có nắng vì trên sân đã ngập những nong nia sàng mẹt... xếp đầy cau.

Tôi rất thích mùi thơm ngòn ngọt của cau khô được nắng, chúng đỏ au đẹp như những con tôm cong dần sau mỗi ngày nắng.

Ngoài lúc phơi cau, nhà tôi cũng thường xuyên phơi sắn thái lát để phòng ngày “giáp hạt” hoặc làm bánh sắn”liên hoan” những lúc trời mưa rảnh rỗi. Ngày ấy sắn khoai là thức ăn quen thuộc vì cơm gạo ít khi đủ được đến khi mùa gặt tới, việc ăn cơm độn với chúng tôi là chuyện quá đỗi bình thường.

Việc bổ cau hay thái sắn chủ yếu do bố mẹ làm, tôi chỉ là chân phụ việc chuyên xếp lên phơi thôi vì cầm dao lơ mơ một chút là đứt tay như chơi chứ chẳng phải chuyện đùa. Trong đám bạn, tôi là đứa nhàn nhất, chẳng phải làm việc nặng nhọc mấy khi, nhờ thế mà tay chân cũng ít bị nẻ.

Xóm tôi hồi ấy rất nhiều nhà có nghề phụ như làm chè lam, kẹo, bỏng mật… nên luôn luôn bận rộn. Càng về cuối năm công việc càng nhiều, những đứa bạn tôi nhà làm hàng sẽ ít đươc đi chơi vì rất nhiều việc cần chúng trợ giúp. Đôi khi bọn nó làm việc đến tận tối mịt và cũng phải dậy sớm để bố mẹ kịp có hàng bán. Vì thế da dẻ cả bọn đứa nào cũng mốc thếch và thường xuyên nứt nẻ.

Vào những ngày trời lạnh, mùi mật mía quyện với gừng và bỏng nếp rang thơm ngào ngạt từ bếp bay đi khắp xóm, nó quyến rũ người ta hơn hẳn những ngày nóng nực. Mùi thơm ấy khó chối từ đến nỗi chúng tôi dù đang làm gì cũng phải chạy đến ngấp ngó ngoài cổng đến khi được cho một nắm bỏng hay một nắm chè lam đang còn nóng bỏng mới thôi.

Để có một lò than đỏ rực, cháy nỏ và lâu tàn thì không thể nào dùng củi hay rơm như thường ngày đun nấu được. Người ta phải dùng than cám trộn với bùn ao với một tỉ lệ nhất định rồi nắm thành những viên than to như nắm tay. Những viên than này cũng cần phơi nắng cho khô rồi mới có thể đốt được. Nắng hanh sẽ giúp những viên than ấy nhanh khô, nếu chẳng may gặp buổi mưa dầm, than không kịp cất sẽ bị ướt và rã ra không đốt được.

Than phơi khô được nắng thì ít khói và cháy đượm, khói than tôi nghe nói rất độc hại, có thể gây tổn thương phổi nếu người ta hít phải suốt ngày. Vì thế nên càng những ngày nắng hanh, những nhà làm hàng càng phải nắm nhiều than phơi khô, để dành khi mưa gió than vẫn chất đầy trong bếp phục vụ công việc bận rộn cuối năm.

Nói đến làn da “cóc”, tôi nhớ nhiều đến thằng Còi, đứa bạn cùng xóm hồi ấy. Nhà nó có làm bỏng mì. Hàng ngày mẹ nó sẽ bắc cái chảo to tướng lên chiếc bếp lò đỏ rực than ấy để rang những sợi mì (nói chính xác là những sợi miến làm từ bột sắn) đã được cắt ngắn. Cái chảo ấy chứa một ít cát đã đãi sạch rồi rang cho thật nóng.

Sợi mì chỉ đổ vào một cái là nở to trông như những chú sâu cong queo to tướng. Sau khi được đổ ra và sàng sạch bỏ cát, bỏng mì sẽ được đảo trên bếp than với mật mía đun sôi, thêm một chút gừng và lạc rang vàng để thành món bỏng được nắm tròn như nắm tay hoặc nén trong một cái khay vuông vắn và cắt ra thành từng miếng đều tăm tắp.

Tôi hay sang nhà nó ngồi rất lâu để ngắm đôi bàn tay dẻo như múa nhưng cũng thô ráp sần sùi của mẹ thằng Còi lúc đảo thứ bỏng giòn tan ngọt lịm màu hổ phách ấy. Lần nào tôi cũng được ăn những nắm bỏng nóng và giòn tan khi còn đang trên chảo như thế, và chắc chắn đấy là những món ăn ngon nhất trần đời mà tôi từng được chén.

Nhiệm vụ của thằng Còi sau buổi học là về nhà phụ việc làm bỏng nhưng tôi thấy nó chẳng bao giờ ăn bỏng. Những lần nó xin mẹ vài nắm bỏng chắc hẳn chỉ là đem cho lũ bạn như tôi, nhà không làm hàng nên ngửi thấy mùi mật mía bay trong gió là đã thập thò ngoài cổng. Nó bảo với tôi rằng nó không thích mùa đông, và càng ghét thời tiết khô hanh vì khi đó nước thì lạnh buốt thấu xương khiến tay cứng còng mà da thì nứt nẻ, chạm vào nước là một cực hình.

Những khi không phải làm việc trong bếp thì nó sẽ phải nắm than và đem phơi khô cho mẹ. Nhiều khi nắm xong một chậu than to tướng thì đôi bàn tay của nó đã mất hết cảm giác, phải vào bếp hơ trên lửa.

Những khi được ngồi trong bếp tuy ấm thật nhưng lò than luôn làm cho mặt nó nhom nhem như mặt mèo, môi má chân tay thì nẻ đến bật cả máu. Để nắm than, trước hết nó phải gánh một đôi thùng xô ra ao lấy bùn rồi gánh về trộn với than cám thành một thứ sền sệt rồi nắm thành những nắm to hơn cái trứng ngỗng. Thứ than bùn ấy làm đôi bàn tay của nó nom đen sì thảm hại vì phải tiếp xúc lâu.

Cuối năm, hàng bỏng của mẹ nó đắt hàng vô cùng, khách xếp hàng chờ mua không có mà bán. Lò than nhà nó đỏ rực suốt đêm ngày thì cũng là lúc đôi tay nó phải nắm than nhiều hơn bao giờ hết. Tôi vẫn nhớ hai bàn tay phát ra tiếng kêu sột soạt của nó những ngày nắng hanh, chúng luôn cóng còng và nứt toác đến rớm máu vì bùn và than bắt vào, rửa mãi vẫn không hết vết đen.

Đến lớp nó thường giấu hai bàn tay đen nhẻm xù xì ấy vào trong túi áo vì sợ bị bạn bè trêu chọc. Sau này tôi nghĩ mãi, giá hồi ấy có kem chống nẻ hoặc găng tay bảo vệ thì có lẽ đôi bàn tay bé nhỏ của đứa bạn tôi đã không phải chịu tê cóng, nứt nẻ đau và xấu xí đến như vậy.

Bây giờ tôi vẫn luôn đợi cái nắng hanh hao ấy nhưng chẳng biết bạn tôi, thằng bé có đôi bàn tay đen nhẻm, sau mấy chục mùa gió, nó đã bớt ghét mùa đông chút nào hay chưa?

THÁI HƯƠNG LIÊN