Phát triển công nghiệp văn hóa: Tiềm năng và thách thức
Tài nguyên dưới lòng đất, dưới biển, trên rừng có thể bị cạn kiệt, nhưng riêng văn hóa (bao gồm các sáng tạo từ trí tuệ con người) sẽ là nguồn của cải vô tận nếu biết khai thác, sử dụng, phát huy giá trị của nó. Giới chuyên gia đã đánh giá như vậy khi nói về phát triển văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.
Năm qua, công nghiệp văn hóa là vấn đề được bàn thảo và triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM. Bên cạnh những chỉ đạo từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng đã triển khai nhiều hoạt động.
Đáng chú ý, Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 12/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Hài hòa giữa lợi ích kinh tế và văn hóa
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, trước năm 2016, công nghiệp văn hóa là một khái niệm xa lạ ở Việt Nam. Từ năm 2016 đến nay, các chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa của Việt Nam nhìn chung được tổ chức trên cơ sở nhận thức văn hóa là một nền kinh tế thị trường với các sản phẩm và dịch vụ. Chúng tôi đã quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu văn hóa của người Việt Nam và thúc đẩy vai trò của xã hội dân sự trong việc hỗ trợ sáng tạo và bảo vệ quyền của các nghệ sĩ.
“Việt Nam có thể khai thác cơ sở hạ tầng phong phú và 198 không gian sáng tạo trên khắp đất nước để biến các ngành công nghiệp văn hóa của mình thành một sức mạnh mềm. Tuy nhiên, các không gian sáng tạo văn hóa này hoạt động chưa hiệu quả. Mặt khác, việc chưa coi công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã khiến nguồn tài nguyên này chưa hấp dẫn đối với người nước ngoài. Công nghiệp văn hóa cần được phát triển đồng thời cân đối giữa lợi ích kinh tế và văn hóa; điều này sẽ đảm bảo rằng các vấn đề về con người và văn hóa được đưa vào quá trình phát triển kinh tế cũng như khả năng thích ứng của ngành với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các công nghệ hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói, đồng thời nhấn mạnh: Để mở rộng thị trường và khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, các cơ quan liên quan cần tích cực hợp tác, thúc đẩy thương mại và quảng bá các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam ra thế giới.
T.H
Vai trò, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa là rất rõ ràng. Trong đó phải kể đến đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ: Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Trong đó phải kể đến sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Chưa hết, sự xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang khẳng định sức hút mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành: Giai đoạn 2018-2022: Đối với kiến trúc, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; Đối với thiết kế tăng 6,36%; Đối với thời trang tăng 7,3%; Đối với điện ảnh tăng 7,94%...
Về tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, một đất nước yêu văn học, nghệ thuật như Việt Nam là thị trường lớn để khai thác và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và cơ hội, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (12 ngành) trong thời gian tới, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nói như Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, 12 ngành công nghiệp văn hóa bao gồm rất nhiều vấn đề, cũng có những tồn tại, hạn chế đặc thù của riêng từng ngành. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta vẫn còn những rào cản về cơ chế, chính sách. Mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng và phải có cơ chế đặc thù.
Cùng với đó là cơ chế khuyến khích để đầu tư, tạo đòn bẩy cho công nghiệp văn hóa phát triển. Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, yếu tố rất quan trọng chính là nguồn lực. “Cần quan tâm từ khâu đào tạo, hướng nghiệp và các chính sách đãi ngộ cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo...” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Trong xu hướng chung của toàn cầu, cần phải thừa nhận, phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang đi sau nhiều nước nhưng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ những trước đi trước.
Trong đó, theo đề xuất của bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD, kinh nghiệm từ những quốc gia có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc cũng có thể học hỏi và áp dụng.
Với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, tới đây cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ và các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Cùng với đó, cũng cần lưu ý, việc khai thác văn hóa để làm kinh tế làm sao vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, duy trì “sức mạnh mềm” quốc gia.
Hà Nội mở rộng kết nối
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, xác định các lợi thế của Thủ đô để triển khai, trước mắt đó là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí…
Bên cạnh xác định mục tiêu cụ thể từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm để đánh giá kết quả.
Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thí điểm một số sản phẩm văn hóa đã thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách. Điển hình như chương trình tham quan di tích lịch sử Hỏa Lò, tour du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám… Nhiều triển lãm trưng bày quy mô đã diễn ra, thu hút lượng lớn khán giả tham quan thụ hưởng, số khách tăng 200% so với trước khi thực hiện.
Hiện nay thành phố đã có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa, trong đó kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô kết nối với hơn 400 thành phố trên thế giới, triển khai các nội dung công việc có bản sắc của thành phố Hà Nội nhưng vẫn lưu giữ truyền thống định hình hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế đã được tổ chức.
P.V