Giáo dục

Khó tuyển mới giáo viên: Nhiều địa phương đề xuất 'nợ' tiêu chuẩn

Lâm An 13/01/2024 07:56

Năm 2024, các địa phương dự kiến được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện các địa phương còn khoảng 74.000 biên chế đã được giao nhưng chưa tuyển dụng được do gặp khó về nguồn tuyển.

anhbaitren.jpg
Một tiết học tại trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Băn khoăn nguồn tuyển

Năm học 2022 - 2023, toàn quốc giảm hơn 19.300 giáo viên công lập. Trong đó bao gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc. Trong bối cảnh học sinh đến trường mỗi năm tăng thêm so với năm học trước, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học tăng lên… đòi hỏi lượng giáo viên cũng phải được bổ sung mới. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, cả nước còn thiếu tới 118.253 giáo viên các cấp học.

Riêng năm học 2023 - 2024, các địa phương đề xuất bổ sung 104.656 giáo viên so với năm trước, nâng tổng số biên chế giáo viên cả nước lên gần 1,2 triệu. Trong đó, nhu cầu về giáo viên mầm non và THCS nhiều nhất. Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT dự kiến bổ sung 27.868 biên chế cho năm học 2023 - 2024. Số còn lại sẽ bổ sung với trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo, đến năm 2026.

Đây là một trong nhiều giải pháp đồng bộ mà Bộ GDĐT đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Dẫu vậy, ghi nhận thực tế từ cơ sở, việc tuyển dụng lại phụ thuộc vào từng địa phương.

Tại Hòa Bình, từ cuối tháng 12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình đã ban hành Quyết định về việc giao biên chế năm 2024, trong đó từ năm học 2023 - 2024 bổ sung 117 biên chế cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên việc thu hút giáo viên về công tác tại địa phương rất khó.

Tương tự, tại tỉnh Lai Châu, năm học 2022 – 2023 thiếu 717 giáo viên, chủ yếu là khối mầm non và tiểu học. Đặc biệt, môn Tin học và Tiếng Anh thiếu tới 160 giáo viên theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc tuyển dụng với những bộ môn này rất khó khăn.

Đơn cử, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tuyển dụng được 6 giáo viên ở các bộ môn Sinh học, Hoá học, Địa lí cho bậc THCS trong năm học 2022 - 2023 nhưng không tuyển được giáo viên Tiếng Anh nào. Thống kê cho thấy, huyện thiếu tới 27 giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học và THCS. Trong đó, tiểu học thiếu 5 giáo viên Tiếng Anh và Tin học; THCS thiếu 22 giáo viên ở các bộ môn: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Ngữ văn, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, thống kê cho thấy toàn huyện thiếu 45 giáo viên ở 11 trường THCS. Riêng môn Tin học, toàn huyện đang có 7 giáo viên thực hiện giảng dạy tại 11 trường, nghĩa là mỗi thầy cô phải dạy từ 2 - 3 trường mới đảm bảo việc học của học sinh.

Câu chuyện nguồn tuyển với các địa phương đến nay vẫn là một bài toán khó, nhất là với những nơi vùng sâu vùng xa. Thậm chí, ngay ở những thành phố lớn, nơi được cho là có nguồn tuyển dồi dào hơn hẳn nhưng vẫn thiếu ứng cử viên ứng tuyển.

Ghi nhận tại TPHCM, năm học 2023 - 2024, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức có tổng nhu cầu tuyển dụng hơn 4.400 giáo viên. Trong đó, đối với cấp tiểu học, THCS, nhu cầu về giáo viên năng khiếu đang là vấn đề đặt ra với các trường. Tại quận 6, năm học này cần tuyển bổ sung 116 giáo viên, trong đó các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học tiếp tục dẫn đầu danh sách nhu cầu tuyển dụng. Với quận 4, kế hoạch tuyển dụng viên chức đợt 2 năm học 2023 - 2024 gồm 49 giáo viên mầm non, 32 giáo viên tiểu học và 18 giáo viên THCS. Tại huyện Bình Chánh, ghi nhận nhu cầu tuyển bổ sung đợt 2 năm học này là 231 giáo viên. Riêng đợt 1, địa phương này có hơn 100 ứng viên trúng tuyển.

Đề xuất “nợ” tiêu chuẩn để tuyển đủ giáo viên

Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương từ trước tới nay nhưng chưa tuyển dụng được. Bên cạnh những lý do như địa phương không tuyển mới để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế, việc thiếu nguồn tuyển như đã đề cập ở trên xuất phát từ việc không có người đủ điều kiện ứng tuyển hoặc các ứng cử viên đủ điều kiện lại không có nguyện vọng tham gia.

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải đạt trình độ từ Cao đẳng trở lên và giáo viên tiểu học đạt trình độ Đại học. Trong khi đó, nhiều giáo viên đang dạy hợp đồng tại các địa bàn lại chưa đạt tiêu chí, tiêu chuẩn này nên chưa đủ điều kiện dự tuyển.

Gần đây nhất, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 4/1/2024, Bộ GDĐT cho biết đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên các địa phương đang gặp phải, giúp nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Lâm An