Kinh tế

'Đường đi' của trái cây Việt Nam

Miên Thảo 13/01/2024 08:30

Cách đây 6 năm, vào năm 2017, khi nghe thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD; thì không ít người bán tín bán nghi.

Nhưng rồi, thời gian trôi qua, cho đến hết 2023 con số kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trái cây, riêng trái sầu riêng đã hơn 2 tỷ USD, thì không ai còn “lăn tăn” nữa. Trái lại, còn cho rằng lẽ ra chúng ta phải xuất khẩu được nhiều hơn.

Tới nay, trái cây Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ. Không chỉ ngon ngọt mát lành, người tiêu dùng thế giới còn tin tưởng tuyệt đối trái cây Việt Nam do việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.

Còn nhớ, năm 2008, khi thanh long trở thành loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất sang thị trường Hoa Kỳ, ai nấy cùng phấn khởi. Vì rằng, nước Mỹ xa xôi, giàu có thì lại càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về thực phẩm. Đây cũng là quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển nông nghiệp, nên gạo, trái cây của Việt Nam vào được nào có dễ.

Nhưng, không chỉ đặt chân được vào thị trường này, mà thị phần trái cây Việt Nam liên tục mở rộng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu so với năm 2028, thì nay đã gấp 10 lần.

Sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa... cũng đã có mặt tại thị trường Mỹ.

Nói là vậy nhưng cũng không dễ gì để trái cây của Việt Nam thành công trên đất Mỹ. Ví dụ với trái xoài. Cho mãi đến giữa tháng 2/2019, sau hơn 10 năm đàm phán, xoài mới trở thành loại trái cây thứ 6 của Việt Nam chính thức được cấp phép vào thị trường khắt khe này.

Trước Mỹ, đã có 39 thị trường nhập khẩu xoài của Việt Nam.

Cũng còn có thể kể đến “số phận” trái chôm chôm. Vào cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường New Zealand, sau thanh long và xoài. Nhưng cùng ít người biết rằng, trước chôm chôm của Việt Nam thì chưa có quốc gia nào xuất khẩu được chôm chôm vào New Zealand. Nói vậy để thấy chất lượng chôm chôm của Việt Nam “rất đỉnh”, chính vì thế nó đã mang tính tiên phong.

Tiếp đó, chỉ 1 năm sau (năm 2019) loại thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản, thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Cũng trong năm đó, thanh long ruột đỏ cũng được người Nhật chấp thuận. Hiện thanh long là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm phần lớn trong hơn 1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm.

Cũng tại Nhật Bản, 10 năm trước, năm 2014, lô vải thiều của Việt Nam lần đầu tiên đến với người tiêu dùng của nước này. Và đến cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản, sau 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại.

Nhưng có lẽ kỉ lục về kiên trì đàm phán phải thuộc về trái vải của Việt Nam gia nhập thị trường Australia. Ngày 17/4/2015, sau hơn 12 năm đàm phán, Australia mới cấp giấy phép nhập trái vải của Việt Nam, sau hàng loạt quy trình khắt khe kiểm tra chất lượng.

Nói như ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ: "Chúng tôi muốn khẳng định thương hiệu và mong muốn người tiêu dùng nhìn nhận đúng về trái cây Việt: rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe”. Ở nước ngoài, trái cây Việt được trân trọng, giá cao. Từ đó ông Tùng “khuyên rằng”, người tiêu dùng có tiền trong nước vẫn chuộng trái cây ngoại hơn hàng nội vốn quen thuộc. Mà điều đó cần thay đổi vì trái cây của chúng ta rất ngon, đến “tây” cũng phải thừa nhận.

Miên Thảo