Chuyển đổi xanh để xác lập kỷ lục mới
Những năm gần đây, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn lập những kỷ lục mới, tăng mạnh từ 27,76 tỷ USD năm 2013 lên mức kỷ lục 53 tỷ USD vào năm 2023, đạt tốc độ bình quân 7,12%/năm. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
PV: Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2024 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, trong đó các mặt hàng như gạo, rau quả, thủy sản được đặt khá nhiều kỳ vọng. Ở góc độ doanh nghiệp, ông nhận định thế nào về mục tiêu này?
TS Trần Khắc Tâm: Trong năm 2023, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những con số vô cùng ấn tượng. Tôi cho rằng, để đạt được 53 tỷ USD từ xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong năm 2023 là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi của Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Con số 53 tỷ USD này sẽ là động lực rất lớn để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phá các kỷ lục ở năm 2024 và những năm tiếp theo.
Như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, mặc dù năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với các tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đặt mục tiêu khoảng 54 - 55 tỷ USD.
Tôi cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được trong năm 2024. Bởi, sau những năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, cộng thêm tình hình chính trị thế giới phức tạp khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái thì năm 2023, một số ngành đã hồi phục, trong đó có ngành nông nghiệp. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 22,59 tỷ USD nhưng đến năm 2023 con số này đã tăng lên 53 tỷ USD. Vì vậy, đến năm 2024, mục tiêu 55 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản là điều chúng ta có thể hướng tới.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông chúng ta cần phải làm gì?
- Để đạt được mục tiêu nêu trên theo tôi, chúng ta cần phải tập trung giải quyết một số khó khăn. Trong đó có vấn đề thị trường. Năm 2023 ghi nhận sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận sự nhạy bén của các doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2024 dự báo vấn đề thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với các thách thức, sự cạnh tranh lớn từ nhiều quốc gia khác. Vì vậy, vấn đề thị trường cần được triển khai quyết liệt hơn, chúng ta cần tăng sản lượng xuất khẩu ở các thị trường có sẵn nhưng cũng đồng thời mở rộng thị trường mới. Cần tuyệt đối tránh việc được mùa mất giá do thiếu nguồn cầu, thiếu thị trường.
Vậy theo ông, ngành nông nghiệp cần thay đổi như thế nào để phát triển một cách bền vững?
- Theo tôi, một vấn đề mà ngành nông nghiệp cần phải thực hiện đó là tăng cường ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất. Điều này sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay đang hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Hiện nền nông nghiệp xanh, bền vững đang lan tỏa ở hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: Cà phê, rau củ, hồ tiêu, thủy sản.
Năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành lâm nghiệp khi chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta trở thành nước đầu tiên trên thế giới trồng lúa giảm phát thải khi triển khai Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm 2023.
Tôi cho rằng, chỉ có phát triển nông nghiệp bền vững mới giúp Việt Nam đạt được những kỷ lục xuất khẩu tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn ông!