Xe đạp thồ 'lạc nhịp' trên đất Huế
Từng là nghề “hót”, là sinh kế của rất nhiều người dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay chỉ còn những người đã lớn tuổi đeo đuổi với nghề xe đạp thồ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (67 tuổi, trú phường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhớ lại, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người dân thường sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển của mình. Cũng vì lẽ đó, thời điểm này nghề xe đạp thồ hết sức thịnh hành. “Hồi đó, nhà tôi có buôn bán tại chợ Đông Ba nên hay đi lại bằng xe đạp thồ nhưng lâu lắm rồi tôi không đi lại nữa. Giờ tôi vẫn thấy có một số người làm nghề xe đạp thồ quanh chợ Đông Ba” - bà Tuyết kể lại rồi mô tả, đó là những người đã lớn tuổi, họ đi một chiếc xe đạp có gắn giỏ đựng đồ ở trước, thân xe có hàn thêm một cái khung nhỏ và gác-ba-ga phía sau được lót thêm vải hoặc tấm nệm tự chế.
Theo lời bà Tuyết, chúng tôi đến chợ Đông Ba để tìm hiểu về nghề “hót” một thời này. Tại đây, giữa dòng người đi lại tấp nập, chúng tôi thấy một người đàn ông đứng cạnh chiếc xe đạp có những đặc điểm như lời bà Tuyết mô tả.
Qua trò chuyện được biết tên ông là Hoàng Đích (77 tuổi, trú tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông bắt đầu làm nghề xe đạp thồ từ năm 1979.
Ông Đích cho hay, vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước nghề xe đạp thồ mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định. Ông kể: “Hồi đó, tại chợ Đông Ba ngày nào cũng có hàng dài người làm nghề xe đạp thồ nhưng ai cũng hối hả với việc chở hàng, chở khách đi lại. Từ khoảng đầu năm 2000 đến nay, xe máy, xe khách, xe tải... phổ biến khiến người làm nghề xe đạp thồ ít việc dần và số người làm nghề này cũng nhanh chóng giảm đi. Giờ chỉ còn khoảng 10 - 15 người đang còn làm xe đạp thồ và tập trung hết ở khu vực chợ Đông Ba. Tất cả đều đã lớn tuổi rồi”.
Vì “lạc nhịp” giữa thời buổi phương tiện, giao thông đi lại thuận lợi, nhanh chóng nên hiện nay, nhiều ngày ông Đích và các “đồng nghiệp” của mình chẳng có nổi một “cuốc” xe. Vừa ăn mẩu bánh mì, ông Đích vừa nói: “Nhà tôi cách chợ 17, 18km nên sáng nào cũng tôi cũng dậy từ 4h sáng để đạp xe lên cho kịp lúc mở chợ. Hôm nay chưa được “cuốc” nào, may có người cho ổ mì. Ngày không chở hàng, không có tiền và chẳng được ai cho gì thì đành để bụng đói đạp xe về nhà”.
Ông Trần Công Tân (60 tuổi, trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, hiện tại những người làm nghề xe đạp thồ chỉ chở trái cây và một số mặt hàng cho tiểu thương từ chợ Đông Ba đến các chợ lân cận như Tây Lộc, An Cựu…
“Chỉ một số mặt hàng nào không cần chuyển gấp hoặc đôi khi có mối quen, có người thương cảm… họ gọi thì lúc đó mới có việc làm thôi. Mỗi chuyến chở khoảng 50kg hàng hóa đến các chợ lân cận cũng được 10 nghìn đồng tiền công. Ngày nào khấm khá lắm thì kiếm được 5 - 6 chục nghìn” - ông Tân nói về tình cảnh hiện tại.
Chúng tôi hỏi: Vì sao làm xe đạp thồ bấp bênh, thu nhập thấp mà không chuyển sang làm nghề khác? Ông Đích, ông Tân đều trả lời với đại ý rằng, họ đã quen với nghề này nhưng khi xã hội “chuyển mình” thì họ hoặc không đủ nhanh nhạy, hoặc không đủ điều kiện nâng cấp phương tiện hành nghề, chuyển đổi nghề nên dần dà lạc nhịp trong sự phát triển chung ấy. Và đến nay, ngoài xe đạp thồ họ không còn biết làm nghề gì khác.
Chúng tôi hỏi thêm về thời thịnh hành của xe đạp thồ, ánh mắt của ông Đích sáng lên trông thấy, nét mặt cũng tươi vui hơn, ông nói: “Hồi đó, những ngày cận kề Tết Nguyên đán thế này có khi chở hàng, chở người đến nỗi không có thời gian ăn cơm nữa. Hồi đó, mệt nhưng mà vui vì làm có tiền. Có khi đi làm còn mua đem về cho con bộ áo quần mới, cành hoa chơi Tết nữa”.
Như một niềm tự hào, ông Đích “khoe” với chúng tôi rằng, hơn 40 năm qua ông chứng kiến, có thời điểm ước tính có cả gần một nghìn người làm nghề xe đạp thồ. Ấy vậy nhưng, cả ngần ấy năm, ông chưa gặp cũng chưa hề chứng kiến cảnh những người làm xe đạp thồ tranh giành khách, mối hàng của nhau. Thậm chí, họ còn san sẻ công việc. Cho đến hiện tại, dù chẳng còn hấp dẫn như trước, cũng chẳng còn nhiều người làm việc như trước nhưng như một thói quen, một nếp sống những người làm nghề xe đạp thồ ở khu vực chợ Đông Ba vẫn chia sẻ cho nhau từng chai nước, hộp cơm, cái bánh... mà họ may mắn được người khác trao tặng.
“Ổ bánh mì tôi ăn sáng nay là người ta cho ông Tân rồi ông Tân cho lại tôi đó” - ông Đích nói với niềm hạnh phúc và chia sẻ thêm: “Tôi sẽ còn làm nghề này cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa mới thôi. Vất vả và thu nhập bếp bênh, thấp nhưng một ngày mà không lên đây là thấy trong người trống vắng lắm. Có lẽ lên đây có anh em, có phố phường đông đúc nên trong người thêm vui”.