Giao thông

Hơn 4 triệu lượt phương tiện đạt yêu cầu kiểm định năm 2023

Lê Khánhjavascript:__doPostBack('ctl00$ContentPlaceHolder1$lbtnAction5','') 13/01/2024 17:15

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam trong năm 2023 toàn hệ thống đã kiểm định được 5.358.411 lượt phương tiện, trong đó gần 4, 2 triệu phương tiện đạt yêu cầu.

Gần 4,2 triệu phương tiện đạt yêu cầu đăng kiểm

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho hay, trong năm 2023 toàn hệ thống đã kiểm định được 5.358.411 lượt phương tiện.

Cụ thể: 4.186.573 phương tiện đạt yêu cầu (chiếm 78,1%); 1.171.837 lượt phương tiện không đạt lần đầu và phải bảo dưỡng, sửa chữa hiệu chỉnh để kiểm định lại (chiếm 21,9%).

W_dang-kiem_le-khanh3.jpg
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng.

Tính tới thời điểm này, cả nước có 274/292 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động (tương đương 94%) với 447/542 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (tương đương hơn 82% năng lực kiểm định toàn hệ thống).

Hiện vẫn còn 18 trung tâm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa.

"Vì vậy, từ cuối tháng 6/2023 hệ thống kiểm định trên toàn quốc cơ bản đã hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định xe của người dân và doanh nghiệp", Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho hay.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho hay, hiện nay, Cục Đăng kiểm duy trì công tác giải đáp, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ tới các Sở GTVT, các Trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc đảm bảo tính kịp thời.

"Đồng thời, thường xuyên duy trì công tác trực đường dây nóng tư vấn giải đáp các khó khăn vướng mắc của khách hàng trong công tác kiểm định; hỗ trợ khách hàng và hướng dẫn các Trung tâm đăng kiểm cách xử lý tình huống phát sinh trong quá trình đăng kiểm phương tiện, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp", Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng khẳng định.

Theo ông Thắng, dù năm 2023 đăng kiểm phải đối mặt với những khó khăn vô cùng lớn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, hệ thống kiểm định đã dần ổn định và phục vụ tốt các nhu cầu của người Dân và Doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành công đó mới chỉ là bước đầu và cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong năm 2024.

Triển khai 3 đột phá trong lĩnh vực đăng kiểm

Năm 2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định là năm bản lề của lĩnh vực kiểm định xe cơ giới do có hàng loạt thay đổi lớn.

Cụ thể, thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành theo hướng hoạt động kiểm định là việc cung cấp dịch vụ công và phải lấy sự hài lòng của người Dân và Doanh nghiệp làm tôn chỉ mục tiêu phục vụ. Đây được coi là giải pháp gốc rễ vì từ nhận thức đúng thì hành động mới đúng.

Đổi mới mạnh mẽ về thể chế, trong đó sửa đổi căn bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Giao thông đường bộ đến thông tư, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng các Đề án nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm để đảm bảo sự công khai, minh mạch, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ; đồng thời tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng làm động lực cho phát triển lâu dài, bền vững; cử nhiều cán bộ tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.

w_snapseed-319-1-.jpg
Trong năm 2024, Cục Đăng kiểm sẽ hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra.

Hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra

Tiến hành hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác kiểm định: Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thúc đẩy đổi mới trang thiết bị kiểm định theo hướng khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới, tăng tính chủ động, sáng tạo, tăng sự tự động hóa, kết nối nhằm giảm sự tác động, can thiệp chủ quan của con người; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý tập trung và được cập nhật thường xuyên trên cơ sở thời gian thực.

Các cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan hữu quan (thuế, đăng ký, quản lý đường bộ, ...) để tăng hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo hướng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương để xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, áp dụng quản lý rủi ro nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực kiểm tra, giám sát.

Đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định phù hợp với thực tế, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác kiểm định.

"Với các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam rất mong muốn thực hiện thắng lợi 3 đột phá trong lĩnh vực đăng kiểm đó là: Hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra", Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng khẳng định.

Lê Khánhjavascript:__doPostBack('ctl00$ContentPlaceHolder1$lbtnAction5','')