Quốc tế

Giải mã những bí ẩn lịch sử

Thế Tuấn 14/01/2024 14:13

Nhiều bí ẩn về lịch sử loài người từng gây tranh cãi suốt thời gian dài đã được các nhà khoa học giải đáp, bằng việc áp dụng tiến bộ của công nghệ. “Những gì chìm khuất hàng chục ngàn năm đang dần lộ sáng” - M.Coffey, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh nói.

15.jpg
Đền Pantheon vẫn sừng sững gần 2.000 năm qua. Nguồn: Shutterstock.

Vào giữa năm 2023, giới khảo cổ đã choáng ngợp trước những đồ tùy táng phát hiện được trong một ngôi mộ gần Seville (Tây Ban Nha). Chúng đã được khai quật từ năm 2008, nhưng người ta đã không xác định được chính xác niên đại.

Trong đó, con dao găm pha lê được chôn cùng thi thể của một nữ thủ lĩnh thời tiền sử cách đây 5.000 năm là đặc biệt nhất. Ban đầu, bộ xương được cho là một chàng trai trẻ, dựa trên phân tích xương chậu - phương pháp truyền thống mà các nhà khoa học xác định giới tính của bộ xương người. Tuy nhiên, khi phân tích men răng chứa một loại protein đặc trưng cho giới tính gọi là amelogenin, các nhà khoa học đã xác định rằng bộ xương là nữ chứ không phải nam, xua tan tuyên bố là “người thợ săn” trước đây.

“Chúng tôi nghĩ rằng kỹ thuật này sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong việc phân tích tổ chức xã hội của xã hội tiền sử” - Leonardo Garcia Sanjuan, giáo sư về thời tiền sử tại Đại học Seville, nói với CNN.

Cũng về xác ướp cổ đại, vào năm 1991, người ta đã tìm được xác ướp của người băng Otzi tại một khe núi cao trên dãy Alps của Italy. Trong dạ dày của người này cung cấp thông tin về bữa ăn cuối cùng của anh ta. Vũ khí được chôn theo cho thấy anh ta thuận tay phải và quần áo cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về những gì người cổ đại đã mặc.

Nhưng một phân tích mới về ADN lấy từ xương chậu của người băng Otzi, còn “phát lộ” những điều rõ ràng hơn nữa. Nghiên cứu về cấu trúc di truyền cho thấy người băng Otzi có làn da sẫm màu, mắt đen và nhiều khả năng bị hói. Ngoại hình này hoàn toàn trái ngược với bản tái tạo nổi tiếng trước đó cho rằng đó là một người đàn ông có làn da nhợt nhạt với mái tóc rậm kèm bộ râu.

Chưa hết, cuối năm 2023, giới khảo cổ học còn thông qua việc phục hồi ADN của người cổ đại từ một mặt dây chuyền làm từ xương hươu được tìm thấy trong hang Denisova ở Siberia (Nga) còn có thể xác định được người đeo dây chuyền là một phụ nữ sống cách đây khoảng 19.000 đến 25.000 năm; thuộc nhóm người Bắc Âu.

Tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn khi không biết tại sao mặt dây chuyền răng hươu lại chứa một lượng lớn ADN của người phụ nữ cổ đại đến vậy. Elena Essel - nhà sinh học phân tử tại Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Leipzig, Đức) nêu giả thiết: Đó có thể là do chuỗi dây chuyền răng hươu được yêu thích và đeo sát với da trong một thời gian dài.

Trước đây, người ta vẫn băn khoăn tự hỏi: Không biết người xưa dùng chất kết dính gì để có thể xây dựng được những công trình tồn tại bất chấp thời gian? Câu hỏi không có lời giải thích thỏa đáng, vì thế người ta đã gọi chung bằng khái niệm “bê-tông La Mã”, cùng việc thừa nhận nó có độ bền lâu hơn so với loại bê-tông hiện đại.

Đứng trước đền Pantheon ở Rome (Italy), nơi có mái vòm không cần gia cố lớn nhất thế giới, vẫn sừng sững gần 2.000 năm qua, giới kiến trúc sư luôn phải ngả mũ kính cẩn. Đền Pantheon được xây dựng dưới thời Hoàng đế La Mã Augustus trong khoảng thời gian từ 27 đến 25 năm trước Công nguyên để tôn vinh các vị thần được người La Mã cổ đại. Ngôi đền được xây dựng lại dưới thời Hoàng đế Hadrianus trong khoảng thời gian từ năm 118 đến 128 sau Công nguyên.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẫu bê tông 2.000 năm tuổi được lấy từ bức tường thành tại địa điểm khảo cổ Privernum ở miền trung Italy, có thành phần tương tự như các loại bê-tông khác được tìm thấy trên khắp Đế chế La Mã. Họ đã phát hiện ra rằng các khối màu trắng trong bê-tông, được gọi là vôi đã giúp bê-tông có khả năng hàn gắn các vết nứt hình thành theo thời gian.

“Như vậy, bê-tông thời cổ đại mang ý nghĩa tự tạo sinh mà vật liệu kết dính sau này không có khả năng đó” - giáo sư Leonardo Garcia Sanjuan nói.

Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) và tái tạo hình ảnh bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính, nhà khoa học Luke Farritor cho rằng năm 2024 này sẽ còn chứng kiến nhiều bất ngờ nữa từ những vụ khai quật khảo cổ.

“Chúng ta sẽ mở ra và phục hiện gần như chính xác cuộc sống của người cổ đại cách chúng ta hàng chục nghìn năm. Công nghệ sẽ giúp chúng ta làm được điều đó” - tiến sĩ Farritor nói.

Năm 2023 có nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng. Trong đó có thanh kiếm lưỡi hình bát giác vẫn còn sáng lấp lánh khi được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Donau-Ries (bang Bavaria, Đức) cùng với 3 bộ hài cốt. Thanh kiếm được xác định hơn 3.000 năm tuổi. Bằng cách xác định đồng vị carbon, người ta đã khẳng định 2 chiếc dép do các thợ mỏ Tây Ban Nha phát hiện vào năm 1857 có niên đại khoảng 5.000 năm tuổi. Đây chính là 2 chiếc dép xỏ ngón lâu đời nhất thế giới. Cũng rất đáng kể khi giới khảo cổ đã “mở của” hệ thống hành lang ẩn giấu trong kim tự tháp Ai Cập. Theo Mostafa Waziri - người đứng đầu Hội đồng cổ vật Ai Cập, hành lang này cho thấy người xưa đã từng sinh sống trong các kim tự tháp kiên cố và cô độc, kể cả khi nó đã biến thành một lăng mộ.

Thế Tuấn