Vì sao gạo Việt xuất khẩu vượt trội?
Năm 2023 là năm khá thành công trong xuất khẩu gạo của Việt Nam khi cả khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục lần lượt là gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dự tính xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ mang về 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023.
Sau khi đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2023 của nước ta đạt 8,3 triệu tấn (tăng cả về lượng và trị giá trị giá so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao ở nhiều thị trường với các chủng loại gạo thơm và gạo chất lượng cao mà ta có thế mạnh. Giá xuất khẩu một số chủng loại gạo hiện đã thiết lập mốc kỷ lục cao nhất trong 11 năm qua và giá thóc gạo hàng hóa của người dân luôn cao hơn so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.
Trong những ngày đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao nhất thế giới. Cập nhật mới nhất đến ngày 9/1 từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo Việt Nam loại 5% tấm đang giao dịch ở mức 653 USD/tấn, loại 25% tấm ở mức 633 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.
Giới chuyên gia nhận định, nhờ có những giống mới, gạo Việt đang vượt trội. “Với sự phát triển mạnh mẽ của công tác nghiên cứu giống lúa trong hàng chục năm qua, Việt Nam hiện đã có bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2-3 vụ, năng suất cao và gạo dẻo thơm. Đây là bộ giống mà các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… không có được. Quan trọng hơn, bộ giống này đã giúp Việt Nam định vị một phân khúc gạo mới trên thị trường thế giới, đó là gạo thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong khi các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết "sống" chung với biến đổi khí hậu nên nguồn cung vẫn dồi dào”- GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ) phân tích.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Bá Bổng - nguyên thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, năng suất lúa của Việt Nam vượt trội bởi những ưu thế của ngành lúa gạo Việt Nam là sở hữu hệ thống thủy lợi phát triển, được thể hiện qua tỉ lệ diện tích lúa có tưới lên đến 85%. Vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó là sự đóng góp hiệu quả của khoa học công nghệ. Đặc biệt, bộ giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, OM18, ST25 và các kỹ thuật canh tác tiên tiến đã mang lại năng suất lúa vượt trội so với khu vực, đột phá về giá trị gạo xuất khẩu.
Ở góc nhìn khác, theo ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giá gạo Việt Nam đang cao hơn Thái Lan là nhờ sự đầu tư bài bản của nông dân. Trong năm 2024, giá gạo dự báo tiếp tục neo ở mức cao. Việt Nam cần tận dụng các cơ hội trên thị trường khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo vẫn đang rất lớn.
"Giải pháp đường dài để phát triển chính là sự liên kết doanh nghiệp và nông dân trồng lúa để đôi bên cùng có lợi. Chính phủ cũng đã có Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu thực hiện thành công đề án này, nông dân chắc chắn sẽ có lãi và doanh nghiệp thu về lợi nhuận lớn"- ông Bình gợi mở.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,3 triệu tấn gạo, đem về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo. Bộ NNPTNT dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng sẽ tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu gạo. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo… Hiện, bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn.