Tìm kênh đầu tư an toàn
Đầu năm, mối quan tâm lớn nhất của người dân nói chung, giới đầu tư nói riêng vẫn là đầu tư vào kênh nào để sinh lời và an toàn. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm sâu, giá vàng được dự báo vẫn còn nhiều dư địa tăng mạnh, bất động sản nhen nhóm dấu hiệu khởi sắc, liệu kênh nào sẽ được nhà đầu tư đặt niềm tin?
Vàng vẫn được coi là “tài sản phòng thủ”
Năm 2023 chứng kiến giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng cuối của năm, giá vàng SJC tăng hơn 10 triệu đồng/lượng. Đối với những nhà đầu tư đã đổ tiền vào vàng từ thời điểm đầu năm cho đến tháng 11/2023 hầu hết đều có lời, thậm chí là lời lớn.
Bước sang năm 2024, giá vàng được dự báo còn có thể tiếp tục tăng trong trường hợp các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa hết khó khăn, lãi suất tiết kiệm giảm sâu và mức sinh lời thấp. Trong bối cảnh đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, giá vàng còn có thể tiếp tục có những bứt phá trong thời gian tới, khả năng sẽ bỏ xa mốc 75 triệu đồng/lượng hiện nay do tâm lý tích trữ vàng của người dân khá lớn. Chính bởi vậy, đây sẽ là kênh có khả năng sinh lời tốt.
Ông Hiếu phân tích, khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản vẫn còn nhiều rủi ro, với thị trường vàng, nếu tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, những xung đột chính trị trên thế giới vẫn xảy ra thì giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Trường hợp thị trường chứng khoán ổn định hơn, bất động sản phục hồi thì giá vàng sẽ đi ngang hoặc giảm nhưng không nhiều. Chính bởi vậy, đây vẫn là kênh đầu tư khá an toàn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, ông Hiếu vẫn giữ quan điểm: Nhà đầu tư cần thận trọng, chia đều số vốn vào các kênh, không nên dồn tất cả trứng vào một giỏ.
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì nêu quan điểm, gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư sẽ được ưu tiên lựa chọn. Dù vậy, theo ông Nghĩa, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, nên kênh đầu tư vào vàng có sức hấp dẫn hơn cả. Theo đó, việc giá vàng tăng gần 20% trong năm 2023 đã trở thành kênh đầu tư tốt nhất tính đến thời điểm này trong bối cảnh lãi suất giảm sâu, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia phân tích, vàng được xem là tài sản phòng thủ, không phải kênh đầu tư, do đó không nên so sánh vàng cùng với các kênh đầu tư khác về lợi tức. Tuy vậy, trong một số giai đoạn nhất định, vàng lại trở thành tài sản chiến lược trong danh mục đầu tư.
Trong năm 2024, giá vàng rất khó dự đoán, song nhiều khả năng chỉ tăng trong ngắn hạn và khó duy trì được đà tăng này trong trung, dài hạn. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên chọn những thời điểm giá vàng bớt nóng để đầu tư và cũng chỉ nên nắm giữ 5-10% tổng tài sản.
Dù vậy, theo ông Huỳnh Trung Khánh - cố vấn Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhà đầu tư nếu chưa có vàng, thì vẫn nên chọn thời điểm phù hợp để nắm giữ. Đây vừa là khoản đầu tư, vừa là tài sản phòng thủ. Còn nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vàng thì gia tăng tích trữ ở thời điểm này là bất hợp lý.
Tiết kiệm - sự lựa chọn an toàn
Chỉ trong tháng 12/2023 đã có tới 25 ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động. Đặc biệt, nhiều ngân hàng sau những đợt giảm lãi suất liên tiếp đã đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi của khách hàng cá nhân về đáy.
Trong đó, Vietcombank hiện đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng xuống chỉ còn 1,9%/năm. Với các kỳ hạn 12 tháng trở lên, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cũng chỉ chấp nhận trả mức lãi 4,8-5,3%/năm. Ở nhóm ngân hàng thương mại, lãi suất chi trả cho kỳ hạn 12 tháng cũng đã giảm về vùng thấp, phổ biến quanh 4,8-5,8%/năm, trong khi hồi đầu năm có những tổ chức sẵn sàng trả lãi suất lên đến 9 -10%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động đã chạm đáy song lượng tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế chảy vào ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trong tháng 9/2023, bất chấp việc lãi suất đã xuống mức thấp nhất.
Vào tháng 9/2023, tiền gửi của dân cư đạt 6,45 triệu tỷ đồng, nhích thêm 15.900 tỷ đồng so với tháng liền trước. Kể từ cuối năm 2022, số dư tiền gửi của dân cư đã tăng 9,95%. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đã tăng thêm gần 217.400 tỷ đồng so với tháng 8/2023, đạt 6,23 triệu tỷ đồng. Từ thời điểm cuối năm ngoái, tiền gửi của tổ chức kinh tế đã tăng trưởng 4,65%.
Nhiều ý kiến cho rằng, do tình hình nền kinh tế vĩ mô còn đứng trước nhiều thách thức, người dân vẫn sẽ lựa chọn kênh tiền gửi, thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm qua, những kênh đầu tư quen thuộc được người dân lựa chọn hàng đầu là bất động sản, sau đó là chứng khoán, thế nhưng hai kênh này hiện đang khá ảm đạm nên phần lớn người dân cũng như giới đầu tư vẫn đổ tiền vào kênh tiết kiệm. Chị Trần Thị Thanh Hương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện dù lãi suất huy động đã giảm sâu, nhưng với một món tiền khoảng 700 - 800 triệu đồng, nếu gửi với kỳ hạn 1 năm thì cũng sinh lời được một chút nhưng đây lại là kênh an toàn nhất. Cứ đến kỳ hạn là nhận lãi, không phải lo xem “xanh đỏ” biến động hàng ngày như chứng khoán, cũng không phải lo giá “nhảy múa” như vàng”.
Bất động sản sớm hấp dẫn trở lại?
Tiền gửi cũng chỉ là một kênh để “bảo toàn vốn” chứ không phải sinh lời, vì lãi suất hiện đang quá thấp. Tuy nhiên, sang năm 2024, xu hướng dòng tiền đổ xô đi gửi tiết kiệm sẽ khó có thể được duy trì khi những kênh đầu tư khác bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Với đầu tư bất động sản, việc Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho dự án, quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm nhằm lành mạnh, minh bạch hóa thị trường khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi năm 2024.
Nói về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá thị trường trong năm 2023 đã xuất hiện các động thái tích cực và tương đồng với thời điểm đảo chiều của chu kỳ trước. Do vậy, ông Quốc Anh đưa ra dự báo điểm đảo chiều của thị trường bất động sản có thể xuất hiện trong khoảng thời gian từ quý II - quý IV/2024. Thị trường sau đó bước sẽ vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định.
Cũng theo ông Quốc Anh, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ góp phần khơi thông nguồn tiền, tháo gỡ pháp lý để định hướng và tạo động lực cho một thị trường phát triển bền vững. Đáng chú ý, vị chuyên gia đưa ra dự báo, sau quý I/2026, ngành bất động sản có thể sẽ dần tiến vào giai đoạn ổn định. Thị trường tiếp tục đà tăng trưởng tốt về thanh khoản và giá, đồng thời có sự xuất hiện của nhiều loại hình bất động sản.
Đây là những dữ liệu cho thấy cơ sở để ngành bất động sản phục hồi. Chính bởi vậy, đầu tư vào lĩnh vực này cũng là việc mà một số nhà đầu tư xem xét trong thời gian tới.
“Đây là kênh đầu tư cần nguồn vốn lớn, và thời gian sinh lời kéo dài, không nhìn thấy rõ ngay như các kênh đầu tư khác. Chính bởi vậy, nếu có một lượng tiền nhàn rỗi lớn, nhà đầu tư nên đổ tiền vào kênh này, không bao giờ được đi vay để đổ tiền vào bất động sản” - một chuyên gia bất động sản khuyến cáo.
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024, trong một buổi Talkshow được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra hàng loạt dữ liệu thuyết phục về kinh tế vĩ mô, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư của Việt Nam và thế giới để minh chứng cho nhận định: Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đáng quan tâm trong năm 2024.