Mặt trận

Giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp

V.Mạnh - N.Phượng (thực hiện) 15/01/2024 07:19

Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo” là chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời đã được tỉnh Cao Bằng thực hiện có hiệu quả, giúp người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đó là khẳng định của ông Hà Ngọc Giáp - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

bai-chinhh.jpg
Ông Hà Ngọc Giáp. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và thực hiện Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo”. Hiện, Đề án này đã đạt được kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Hà Ngọc Giáp: Hiện nay, Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo” tỉnh Cao Bằng đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết lãnh đạo và HĐND tỉnh ra Nghị quyết định hướng bố trí các nguồn lực vận động. Đề án ban đầu mà tỉnh xây dựng có khoảng hơn 6.000 nhà cần được xây mới và sửa chữa theo tiêu chí rà soát của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, kể cả Trung ương và địa phương nên đã hỗ trợ xây dựng được khá nhiều nhà. Đặc biệt, trong 3 năm từ 2021 - 2023, chúng tôi đã làm được khoảng hơn 3.000 nhà.

Với Đề án đó, tỉnh Cao Bằng quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho khoảng hơn 6.000 nhà. Tuy nhiên, sau khi báo cáo Chính phủ và được Chính phủ nhất trí sẽ lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đồng thời cũng phải rà soát lại theo tiêu chí và yêu cầu của Trung ương thì số lượng nhà cần xây mới và sửa chữa tại Cao Bằng vào khoảng 12.000 nhà. Chính vì vậy, hiện nay tỉnh Cao Bằng đang tích cực triển khai nội dung này.

Đặc biệt, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã vận động được hơn 10 tỷ đồng Quỹ Vì người nghèo để thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát và thực hiện các nội dung khác nên nguồn lực còn thiếu rất nhiều. Qua tổ chức vận động Quỹ Vì người nghèo, chúng tôi thấy rằng, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp nên việc ủng hộ có mức độ hơn. Do đó, khi thực hiện Đề án này, chúng tôi xác định đây là công việc lâu dài, phải có quá trình và không thể hoàn thành ngay được. Vì vậy, chúng tôi đang triển khai tích cực. Với những nguồn lực đã được các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, chúng tôi yêu cầu các huyện triển khai kịp thời đến người dân một cách nhanh nhất, đảm bảo nhất.

Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2023, chúng tôi cũng đã phối hợp với các huyện tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng và đã giải ngân gần chục tỷ đồng cho nội dung này. Vì đây là chương trình mang tính nhân văn nên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ.

bai-chinh.jpg
Cao Bằng đặt mục tiêu xóa 6.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo vào năm 2025. Ảnh: Phượng Mạnh.

Theo Đề án này, mức hỗ trợ một căn nhà thế nào và việc xây dựng được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Chúng tôi có chủ trương hỗ trợ xây dựng mới một căn nhà khoảng 44 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và sửa chữa hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng. Đây là số tiền hỗ trợ trực tiếp. Còn lại khi triển khai xây dựng hay sửa chữa nhà thì huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như hỗ trợ ngày công cũng như hỗ trợ các điều kiện khác. Tỉnh Cao Bằng xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng đưa ra tiêu chí phải đảm bảo 3 cứng gồm: Mái cứng, nền cứng, tường cứng. Ngôi nhà phải đảm bảo các tiêu chí nhà kiên cố chứ không phải xóa nhà dột nát tạm bợ một thời gian rồi lại phải làm lại. Vì trước đây, nhiều chương trình khi làm nhà chỉ được 5-7 năm hoặc chục năm thì lại xuống cấp và dột nát. Vì vậy, đợt này, tỉnh Cao Bằng ra Nghị quyết, nhà Đại đoàn kết phải đảm bảo 3 cứng và tiêu chí là phải dùng được 20 năm.

Được biết, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa 6.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong khi nguồn lực còn hạn chế. Thời gian tới, MTTQ tỉnh có những giải pháp như thế nào để vận động tối đa các nguồn lực đạt được mục tiêu mà đề án đã đặt ra, thưa ông?

- Đối với tỉnh Cao Bằng, nguồn lực của tỉnh có mức độ nên chúng tôi xác định, để thực hiện thành công Đề án này rất cần sự ủng hộ từ các ban, bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn của Trung ương. Vì vậy, trong thời gian qua chúng tôi đã tích cực vận động và đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, muốn hoàn thành tốt đề án này, nhất là đối với chương trình Chính phủ đã cho chủ trương, tỉnh Cao Bằng rất mong muốn có một chương trình ủng hộ giống như Điện Biên. Như vậy sẽ có kết quả tốt hơn, bởi đây là sự kêu gọi của cả nước. Theo kế hoạch, năm 2024, việc tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được tổ chức ở tỉnh Cao Bằng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sau khi hỗ trợ Điện Biên xong nếu còn nguồn lực thì tiếp tục hỗ trợ cho Cao Bằng, vì đây cũng là tỉnh cách mạng và cũng là tỉnh nghèo của cả nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

V.Mạnh - N.Phượng (thực hiện)