Bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống của đồng bào DTTS huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) từng bước được cải thiện; công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa được chú trọng.
Đồng bào DTTS ở huyện Minh Hóa phần lớn là người Bru - Vân Kiều và Chứt. Đồng bào sinh sống tập trung tại 7 xã gồm Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa, Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Phúc và có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng… Triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình MTQG 1719, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình phối hợp với huyện Minh Hóa tổ chức các lớp tập huấn xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các bản ở xã Thượng Hóa, Trọng Hóa…
Ông Mai Xuân Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, để các lớp tập huấn diễn ra hiệu quả, các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát, thống kê, thu thập thông tin xây dựng câu lạc bộ; hướng dẫn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ; tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào DTTS tại các địa phương… Theo ông Thành, thông qua việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và mô hình phát triển văn hóa đồng bào các DTTS ở huyện Minh Hóa đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; giúp bà con nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ông Mai Thế Trung - Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình cho biết, qua triển khai công tác kiểm kê, sưu tầm, hiện nay trên địa bàn huyện Minh Hóa còn tồn tại nghệ thuật trình diễn dân gian như khèn bè, hát trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trọng Hóa. Các tập quán xã hội như lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng giang sơn ở xã Trọng Hóa, Dân Hóa. Nghề thủ công truyền thống như nghề đan lát, nghề làm rượu cần ở xã Trọng Hóa, Dân Hóa. Tri thức dân gian có nghề làm bánh ở xã Dân Hóa, nghề làm cơm bồi ở xã Trọng Hóa… Người dân ở nhiều địa phương vẫn lưu giữ và trao truyền nghề đan gùi, mâm nỏ bắn cá, trúm…
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, ngành Văn hóa và Thể thao, thực hiện Dự án 6 Chương trình MTQG 1719, huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS. Từ nguồn vốn của chương trình, huyện Minh Hóa đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị cho nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cho các thôn, bản có đồng bào DTTS, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt và phát triển các câu lạc bộ văn hóa, thể thao. Minh Hóa cũng đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho các đội văn nghệ của các thôn, bản; tổ chức liên hoan văn nghệ cho đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù; phục dựng lễ cúng giang sơn tại bản Dộ (xã Trọng Hóa), các bản Cha Lo, Bãi Dinh, Tà Rà, K Ai, Ba Loóc (xã Dân Hóa).
Ông Bùi Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, cuộc sống của đồng bào DTTS ở trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa đã từng bước được đổi thay. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS ở Minh Hóa được gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Thông qua các nội dung của Dự án đã giúp đồng bào phát huy tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng để chung tay xây dựng bản làng ngày càng đổi mới.