Thị trường bất động sản 2024 sẽ sáng hơn?
Năm 2024 được nhận định vẫn là năm chưa hết khó khăn của ngành bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện cơ hội mới để nhà đầu tư quyết định “xuống tiền”.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2023, số doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS thành lập mới là 4.725; còn số DN giải thể là 1.286. So với năm 2022. Tính trung bình, mỗi tháng có khoảng 107 DN BĐS rời bỏ thị trường. Nhiều DN xây dựng, BĐS đã cắt giảm nhân sự từ 50% đến dưới 75% nhân sự.
Điều đó sẽ tác động lớn tới thị trường BĐS năm 2024.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2023 một loạt chính sách đã được thông qua đã có tác động đến thị trường BĐS. Tuy nhiên, các tác động, về cơ bản, chỉ để thị trường được bình ổn chứ chưa đạt được tác động “kích thích, thúc đẩy”. Thị trường BĐS năm 2024 có nhiều điểm thuận lợi hơn khi mà sau 2 năm điều chỉnh thị trường đã tích lũy được một thế năng mới. Đồng thời, các khó khăn cũng dần được tháo gỡ, đặc biệt lãi suất ngân hàng được hạ thấp và khối nợ trái phiếu được xử lý dần.
PGS.TS Nguyễn Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường BĐS năm 2024.
Kịch bản thứ nhất: Tiệm tiến. Nếu các yếu tố không có gì đột biến thì thị trường sẽ tiếp tục xu thế chậm chạp đi lên. Phương án này nhiều khả năng xảy ra.
Kịch bản thứ hai: Thị trường đi lên mạnh mẽ. Đây là “kịch bản mong muốn”, cần 3 yêu cầu hỗ trợ. Một là, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Hai là Luật Đất đai được thông qua và các văn bản dưới luật được hoàn thành, với xu hướng hỗ trợ, nâng đỡ thị trường BĐS. Và ba là các công cụ tài chính tiền tệ được nới lỏng: Lãi suất ngân hàng thấp đồng thời với mở rộng tín dụng; các tồn đọng về trái phiếu BĐS được xử lý rốt ráo và DN BĐS được tiếp cận một chu kỳ vốn mới.
Kịch bản thứ ba: Thị trường BĐS thoái trào. Đây là điều không ai mong muốn nếu không có nguồn lực và động lực phát triển.
Trong các rủi ro thị trường BĐS năm 2024, ông Chung cho rằng rủi ro “đáng kể nhất” đến từ tác động của tình hình thế giới khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.
Trong một diễn biến khác, tại Báo cáo thị trường BĐS năm 2023 và dự báo 2024, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) bày tỏ lo ngại khi cho rằng thị trường thiếu vắng các sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023.
Vẫn theo VARS, dù tình hình kinh tế chung còn khó khăn, nhưng thị trường BĐS lại ghi nhận giá nhà cao so với khả năng tài chính của người dân. Đặc biệt, giá bán tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Trong đó, giá căn hộ chung cư sơ cấp trung bình tại Hà Nội là 51,7 triệu đồng/m2 và TPHCM là 71 triệu đồng/m2. Từ đó, VARS dự báo, năm 2024, giá phân khúc căn hộ chung cư vẫn duy trì cao. Đối với phân khúc đất nền, nguồn cung khan hiếm nên mức giá tăng khoảng 5-7% so với năm 2023 tại các đô thị lớn. Còn các khu vực phát triển, hạ tầng bài bản có xu hướng đi ngang.
Lạc quan hơn, một số chuyên gia lĩnh vực BĐS cho rằng thị trường BĐS sẽ đảo chiều đi lên ngay từ quý 2/2024; sau khi đã trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc, ổn định. Nhận định này dựa trên dự báo sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực BĐS gia tăng.
Nhiều chuyên gia khích lệ các DN BĐS đang trong trạng thái bi quan cần phấn chấn lên, đừng như “chim sợ cành cong”, đừng vì “một lần bị rắn cắn mà mười năm sợ dây thừng”.
Như vậy, dù ở bất cứ kịch bản nào, ở những phân tích, nhận định nào cũng có thể thấy một mẫu số chung cho thị trường BĐS 2024. Đó là sẽ sáng sủa hơn năm 2023.