Xã hội

'Hạ nhiệt' rút bảo hiểm xã hội

LÊ ANH 15/01/2024 07:55

Dù Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM tăng cường công tác truyền thông để người lao động hiểu biết đầy đủ luật, đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH; thế nhưng số lao động làm thủ tục rút BHXH một lần trong năm qua vào khoảng 112.000 người (tăng 3,9%). Dự báo năm 2024 lượng hồ sơ rút BHXH một lần vẫn tiếp tục tăng, gây nhiều khó khăn cho công tác này.

anh-thay-anh-bai-tren.jpg
TPHCM tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hồng Phúc.

Nghỉ việc ở một cơ quan nhà nước tại quận Tân Bình (TPHCM), anh Võ Tá Lâm (41 tuổi, quê Hà Tĩnh, trú phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) cho biết, mới đây đã đi rút BHXH một lần được số tiền gần 100 triệu đồng cho thời gian công tác gần 15 năm của mình.

Chia sẻ lý do rút BHXH một lần, anh Lâm cho biết, khi quyết định nghỉ việc anh đã dự tính sẽ khởi nghiệp trong một lĩnh vực tự do về thời gian hơn. Tuy nhiên, để có số vốn đầu tư cho mặt bằng, thuê người làm, anh đã quyết định rút BHXH một lần. “Số tiền này đủ để trang trải thời gian đầu khởi nghiệp. Nếu không có số tiền này, tôi chắc chắn không đủ dũng khí để bỏ một công việc đang ổn định, đã cống hiến ở đó gần 15 năm qua” - anh Lâm chia sẻ.

Trường hợp của anh Lâm chỉ là một trong số ít những người cân nhắc kỹ thiệt hơn khi rút BHXH một lần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người lao động sau khi bị doanh nghiệp (DN) cắt giảm lao động, đã rút BHXH một lần trong tâm trạng hoang mang.

“Tôi nghe mọi người nói Luật BHXH sửa đổi sẽ không cho rút BHXH một lần nên thời điểm khi nghỉ công ty, tôi đã đi rút về luôn” - chị Thu Hồng (27 tuổi, trú quận Bình Tân) - công nhân Công ty Tỷ Hùng chia sẻ. Chị Hồng cho biết, chị là một trong số gần 1.200 công nhân bị mất việc sau đợt cắt giảm lao động đầu tiên của công ty này vào 2 năm trước. Chị đã chịu cảnh thất nghiệp nằm nhà trong một thời gian dài trước khi đi đến quyết định rút BHXH một lần để trang trải chi tiêu gia đình, con cái học hành.

Về tình hình chung số lượng hồ sơ rút BHXH một lần trong năm qua, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại khi tổng kết cả năm 2023 cho thấy số lao động làm thủ tục rút BHXH một lần vào khoảng 112.000 người (tăng 3,9% so với năm trước). Điều đáng nói, ngành BHXH thành phố trong năm qua đã rất nỗ lực để tăng cường công tác truyền thông để người lao động hiểu biết đầy đủ luật, đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH.

Về nguyên nhân khiến số lượng hồ sơ rút BHXH một lần vẫn tăng, ông Hà lý giải, đa số đối tượng làm hồ sơ rút BHXH một lần trong năm qua là những người nghỉ việc vào thời điểm thành phố đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, khi vừa hết dịch thì kinh tế thành phố lại ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế chung. Cũng theo đại diện BHXH TPHCM, số người lao động tại các tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An,… cũng đến TPHCM để nhận BHXH một lần khiến gia tăng số lượng hồ sơ của cả năm 2023.

Trước dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục “nóng” vấn đề rút BHXH một lần, ông Hà cho biết, hiện nay BHXH TPHCM đã chỉ đạo, đề nghị các đơn vị cơ sở tăng cường công tác truyền thông để người lao động hiểu biết đầy đủ luật, đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHXH. Với phương châm “nhận hết hồ sơ chứ không hết giờ”, các cán bộ BHXH phải thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, ngành sẽ bố trí thêm viên chức làm việc vào sáng thứ bảy ở các quận, huyện. Các cơ quan ở cơ sở đẩy mạnh đặt lịch làm việc, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến… để hạn chế tình trạng người lao động xếp hàng dài rút BHXH một lần như trong năm qua.

TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, BHXH là một trong những chính sách nhân văn của nhà nước để đảm bảo an sinh, đời sống cho người lao động khi nghỉ làm việc (hoặc nghỉ hưu). Việc thời gian qua người rút BHXH một lần tăng cao. Đồng thời, thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn, kèm theo tình trạng người lao động (đặc biệt là người làm việc ngoài khu vực Nhà nước) nghỉ hưu trước tuổi nhiều, đóng không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động bấp bênh… là một phần những rủi ro về an sinh sau này.

Theo bà Sâm, các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH cần có giải pháp căn cơ hơn nữa để tính toán “mạng lưới an sinh” cho đa số người lao động hiện nay. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền hiệu quả để giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước trước sức ép ùn ứ quá nhiều hồ sơ xin rút BHXH một lần như thời gian qua.

LÊ ANH