Chính trị

Hôm nay, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường: Tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tạo đà tăng trưởng

H.Vũ 15/01/2024 07:43

Hôm nay (15/1) kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc; với 4 nội dung quan trọng.

anh-bai-tren(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 3/11/2023. Nguồn: quochoi.vn

Xem xét, thông qua 4 nội dung

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung gồm: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong 4 vấn đề trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Quốc hội quyết định chưa thông qua hai dự án luật trên và quyết định xem xét tại kỳ họp gần nhất để tiếp tục chỉnh lý, thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng để làm sao khi luật ban hành đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, đảm bảo tính bền vững và không xảy ra xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Đây không chỉ là mong muốn của các ĐBQH mà cũng là nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Sau khi chỉ ra các bất cập, Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, lần này tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Nhất là việc cần xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm, có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi.

Kỳ vọng vào Luật Đất đai (sửa đổi)

Từ chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã 3 lần được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Dự thảo luật đã được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý kiến. Việc Quốc hội nhiều lần cho ý kiến trước khi thông qua thể hiện sự thận trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội trong xem xét, thông qua dự thảo luật bởi đây cũng là nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Từ thực tiễn những năm qua cho thấy Luật Đất đai có nhiều bất cập. Do đó, theo ông Túc, từ việc lấy ý kiến nhân dân, thảo luận của ĐBQH, MTTQ Việt Nam các cấp thì Quốc hội cần xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sát thực tiễn hơn, nhất là các vấn đề liên quan đến vấn đề: thu hồi đất; đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhằm đáp ứng nguyện vọng của người bị thu hồi đất, tránh việc “lấy đất của dân rẻ như bèo cuối cùng kiếm lời gấp nhiều lần” như hiện nay. Bên cạnh đó, đất đai là một trong những vấn đề dẫn đến tham nhũng nhiều nhất, do đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bịt những kẽ hở, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đất đai.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội bày tỏ, cả 4 nội dung được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường lần này đều là những vấn đề quan trọng được cử tri và nhân dân kỳ vọng. Trong đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có tác động rất lớn tới vấn đề kinh tế - xã hội.

Ông Sơn cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, Chính phủ, cơ quan soạn thảo nỗ lực cố gắng tiếp thu các ý kiến. Nếu thông qua 2 luật trên sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết các điểm nghẽn tồn tại trong thời gian qua đạt được kỳ vọng của người dân trong không khí đón chào năm mới. Qua đó để sau Tết, trong khí thế chào xuân mới thì các chính sách sẽ được đưa vào cuộc sống một cách nhanh nhất với các nội dung được thông qua tại kỳ họp bất thường lần này.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) kỳ vọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan cần chuẩn bị chu đáo hơn đối với 2 dự thảo luật: Đất đai (sửa đổi) và Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để hoàn thiện phù hợp với tình hình cuộc sống, đi vào thực tiễn, có tính khả thi cao. Nhất là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều vấn đề phức tạp liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như vấn đề xác định giá đất.

Trước sự biến động của tình hình thế giới và trong nước, nhất là những khó khăn thách thức, theo ông Cừ, lần này Quốc hội xem xét, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công là rất hợp lý. Bởi rất cần đưa ra những cơ chế chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục đà tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024.

Cũng theo ông Cừ, hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp nhiều khó khăn bất cập, tiến độ giải ngân chậm, một số tiểu dự án đang gặp khó trong hỗ trợ khởi nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự đột biến trong phát triển kinh tế chưa được rõ nét, một số xã dù được công nhận xã nông thôn mới nhưng đời sống của người dân vẫn còn gặp những khó khăn, các chính sách BHYT, hỗ trợ hộ nghèo hiện nay cần những giải pháp để xem xét, khắc phục. Do đó rất cần cơ chế chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

H.Vũ