Lên kịch bản đối phó với hạn mặn
Đúng như dự báo của các chuyên gia thủy văn, đầu tháng 1 này tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào một số tỉnh, thành, có nơi lấn sâu vào đất liền tới 50km. Trong khi đó, có nơi nước mặn lên đến 4 phần nghìn từ các cửa biển cũng đang bủa vây và tiếp tục lấn sâu vào vùng sản xuất nông nghiệp, trực tiếp đe dọa nhiều diện tích lúa, cây ăn trái.
Mặn xâm nhập đất liền
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, trên sông Cửa Đại, mặn đã xâm nhập vào xã Châu Long, huyện Châu Thành, cách cửa sông 53km, sâu hơn cùng kỳ năm ngoái 11km. Còn trên sông Thạnh Luông, độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập vào một số phường của thành phố Bến Tre, cách cửa sông 48km. Dự báo, tình hình xâm nhập mặn đang tăng theo lịch triều.
Đáng chú ý, độ mặn này sẽ tăng trong thời gian tới và lấn sâu khoảng 62km. Độ mặn 1 phần nghìn cũng đã lấn sâu vào sông Cổ Chiên 54km và tiếp tục lấn sâu vào đất liền thêm 4km trong thời gian tới.
"Từ nay đến ngày 16/1, độ mặn trên các nhánh sông sẽ tăng theo đỉnh triều trong ngày. Các địa phương cách cửa sông từ 48km - 62km trở xuống nên theo dõi và kiểm tra độ mặn khi vận hành cống và sử dụng nước trực tiếp", Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre phát thông báo.
Còn tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặn đang bủa vây nhiều địa phương trong tỉnh. Nước mặn lên đến 4 phần nghìn đang dần lấn sâu vào đất liền chỉ cách khu vực xã Nhân Mỹ, huyện Kế Sách khoảng hơn 30km, dự báo sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền.
Chống mặn từ sớm
Được dự báo là mặn sẽ xâm nhập sâu ngay từ những ngày đầu năm 2024 nên các địa phương trong vùng ĐBSCL đã có sự chuẩn bị trước. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân xuống giống sớm các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Tại Sóc Trăng, thời điểm này bà con đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân nên không bị ảnh hưởng nhiều nếu mặn xâm nhập sâu.
“Tỉnh đã lên các kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô. Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó. Tại các vùng sản xuất lúa Đông Xuân 2023 -2024 sẽ thu hoạch sớm hơn trước Tết Nguyên đán tránh thiệt hại cho nông dân. Đồng thời yêu cầu nông dân sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân sẽ không xuống giống vụ 3. Một số địa phương cũng đã khuyến cáo bà con nông dân tôn cao bờ đê, nạo vét mương xung quanh để tích trữ nước đề phòng thiếu nước ngọt” - ông Đạo cho biết.
Còn tại Tiền Giang, trước dự báo mặn sẽ đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, đối với những diện tích lúa Thu Đông, sau khi thu hoạch xong, ngành nông nghiệp đã đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng rau màu hoặc không gieo sạ vụ Đông Xuân.
Đối với cây ăn trái, để giảm ảnh hưởng của hạn, mặn, ngoài việc thực hiện rải vụ khoảng 4.750ha, ngành nông nghiệp sẽ theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên sông Tiền và phối hợp theo dõi diễn biến mặn từ cửa sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền để thông tin trên rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng các hệ thống tưới tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước; khuyến cáo áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng, chống hạn, mặn.
Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay tại vùng sản xuất lúa – tôm của thị xã Giá Rai, nông dân vừa mới thu mới thu hoạch xong, tỉnh đang điều tiết nước mặn về khu vực này để nông dân xuống giống vụ tôm tiếp theo.
“Sản xuất vụ lúa Đông Xuân và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung sẽ gặp khó khăn do hạn mặn. Tình hình cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn cũng gặp khó khăn trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5/2024) do mực nước ngầm hạ thấp. Một số hộ dân vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa chưa có tuyến ống cấp nước sạch. Tuy nhiên, sản xuất muối đầu mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ thuận lợi hơn” - ông Ẩn thông tin.
Để ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023 - 2024 trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu cũng chủ động đưa ra 3 kịch bản với 3 cấp độ khác nhau. Sở NNPTNT chọn kịch bản 2 giả định tình hình hạn, mặn xảy ra gay gắt tương đương với hạn, mặn năm 2015 - 2016. Theo đó, giảm 2.900ha vụ lúa Đông Xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Đồng thời, đưa ra các giải pháp công trình như sửa chữa cống, trạm bơm, kéo dài đường ống cấp nước sạch nông thôn, công trình kênh mương tạo nguồn; duy tu toàn bộ hệ thống cống, trạm bơm, máy bơm, các trạm cấp nước tập trung trong tỉnh để phục vụ phòng, chống hạn, mặn với ổng kinh phí ứng phó giảm thiểu thiệt hại hơn 21 tỷ đồng…
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong vận hành cống âu thuyền Ninh Quới, để ngăn không cho nước mặn xâm nhập qua Ngã Năm (Sóc Trăng) trong mùa khô năm nay cũng như trong năm tới.
Mặc dù các địa phương đã có sự chuẩn bị, tuy nhiên bà con không nên chủ quan. Cách dễ nhất để bảo vệ hoa màu đó là đo độ mặn trước khi lấy nước vào tưới cho đồng ruộng.
Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL khả năng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, người dân cần có kế hoạch ứng phó, chủ động trước xâm nhập mặn.