Kinh tế

Thận trọng trước khuyến mãi tràn lan

NAM ANH 15/01/2024 13:14

Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Lợi dụng cơ hội này, nhiều kênh bán hàng trực tuyến dùng “chiêu trò” khuyến mãi, giảm giá để bán hàng gian, hàng giả, kiếm lời bất chính.

anhbaitren(2).jpg
Người tiêu dùng cần đến các điểm bán hàng uy tín để lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng đảm bảo chất lượng. Ảnh: Nam Anh.

Đội giá, chất lượng như hàng chợ

Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Tuấn ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) khi lần đầu trải nghiệm săn hàng giá rẻ trực tuyến. Trước đó, do đang có nhu cầu mua đông trùng để làm quà tặng Tết, nên anh Tuấn thử lướt một lượt trên sàn online. Sau nhiều ngày tìm hiểu anh đã chốt mua 120g đông trùng trên một sàn điện tử với giá khá mềm. “120g đông trùng nguyên con bao chất lượng, bao kiểm tra hàng với giá 4 triệu đồng. Lúc nhận hàng tôi đã cẩn thận kiểm tra không thấy điểm nghi ngờ nên thanh toán ngay và chắc mẩm đã tiết kiệm được mấy triệu vì mua được chỗ rẻ” – anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên trong một lần vô tình lướt mạng thấy nhiều nơi cũng quảng cáo bán đông trùng y như sản phẩm mà anh Tuấn đã mua mà chỉ có giá 500.000 đồng/20g. “Biết mình đã mua phải hàng giá rẻ, kém chất lượng nhưng giờ kiện cáo mất thời gian nên đành ngậm ngùi để lại pha nước uống cho đỡ tiếc” - anh Tuấn chia sẻ.

Trường hợp tương tự của chị Nguyễn Thị Thu ở quận Hà Đông (Hà Nội) khi xem video livestream bán hàng trên mạng xã hội, đã đặt mua 2 chiếc chăn được quảng cáo là lông cừu nhập khẩu của Nhật với giá khuyến mãi còn 1,5 triệu đồng/chiếc (giá chưa khuyến mãi là 4,2 triệu đồng/chiếc). “Lúc nhận hàng tôi cũng đã kiểm tra thấy mẫu mã y như ảnh đăng, thậm chí có cả tem xuất xứ từ Nhật, thế nhưng mang đi giặt khô mới thấy là chăn rởm. Kiểm tra lại tôi mới tá hỏa chăn đó các cửa hàng online đang bán chỉ có giá 400 – 500 nghìn đồng/chiếc” - chị Thu bức xúc.

“Bán không đúng với quảng cáo không chỉ có ở những cửa hàng bán hàng online mà ngay cả những siêu thị, cửa hàng trực tiếp bán hàng có tiếng cũng dùng những chiêu trò để “dụ” khách vào” - Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhài ở quận Long Biên (Hà Nội) nói về tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” của nhiều cửa hàng online. Dẫn chứng chị Nhài cho biết, cuối tuần vừa qua chị cùng chồng đi siêu thị lựa chọn mua hàng Tết, chị đã cẩn thận xem rõ giá khuyến mãi nên đã lựa vì thấy rẻ hơn đại lý gần nhà, thế nhưng khi ra thanh toán thì giá không giống như trên kệ. Khi chị thắc mắc thì nhân viên thu ngân thản nhiên cho biết, giá khuyến mãi đã hết hiệu lực, siêu thị chưa kịp cập nhập giá mới. “Trước kiểu làm ăn thiếu tôn trọng khách hàng tôi quyết định trả lại toàn bộ hàng, sản phẩm mình đã lựa chọn. Không chỉ tôi mà rất nhiều người đã bức xúc trước cách làm việc thiếu uy tín này từ phía siêu thị” - chị Nhài cho hay.

Thực tế có nhiều người mua thường đã bị cuốn hút vào quảng cáo “số lượng có hạn”. Nhiều cửa hàng treo băng rôn, áp phích bắt mắt, dòng chữ “Sale off lên tới 70%, giá chỉ từ 99.000 đồng”. Nhưng khi vào trong, người mua mới biết hàng khuyến mãi rất ít. Những sản phẩm bắt mắt trước cửa hiệu chỉ để gây ấn tượng, còn đa số mặt hàng khuyến mãi đều là mẫu mã cũ, trái mùa, thậm chí chất lượng kém.

Người tiêu dùng cần thận trọng

Trước thực trạng khuyến mãi ồ ạt trên thị trường cũng như trên môi trường online dịp cận Tết Nguyên đán, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền mạnh hơn nữa những quy định về hoạt động khuyến mãi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công khai quy trình đăng ký, việc tổ chức các hoạt động khuyến mãi cũng như bố trí nhân lực tiếp nhận hồ sơ thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mãi. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng.

Các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về hoạt động khuyến mãi, như: Công khai các thông tin về tên gọi, địa bàn hoạt động, thời gian khuyến mãi, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và số lượng quà tặng, khuyến mãi… và phải được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trước khi mua hàng, dù trực tiếp hay qua mạng xã hội, cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mãi, thông tin doanh nghiệp, thông tin sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng phải chủ động thông báo đến Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, bồi thường các thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm hoạt động kinh doanh của các đối tượng lừa đảo để kịp thời xử lý.

Trong khi đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội, đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Đặc biệt, với giao dịch mua vé máy nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Còn theo các luật sư, trong khi các ngành chức năng đang đẩy mạnh kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý vi phạm… người tiêu dùng nên tỉnh táo, cảnh giác trước các “chiêu trò” bán hàng trên mạng. Đừng vì ham rẻ, “mua ít được nhiều” mà bỏ qua yếu tố an toàn, chất lượng. Tiêu dùng thông minh, mua hàng trên trang thương mại điện tử uy tín, với chính sách nhận và đổi trả hàng, bảo hành minh bạch là một trong những cách giúp người dân hạn chế mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng những ngày cuối năm.

NAM ANH