Giám sát - Phản biện

Ngăn chặn nạn “cát tặc”

LÊ ANH 16/01/2024 06:28

TP Hồ Chí Minh có khoảng 40km đường sông nối với tỉnh Đồng Nai, cộng thêm phần tiếp giáp biển Cần Giờ, thời gian qua hoạt động tuần tra, kiểm soát nạn khai thác cát trái phép (cát tặc) đã được Công an thành phố, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ.

anh-bai-tren(2).jpg
TPHCM bắt nhiều vụ khai thác cát trái phép tại khu vực sông Đồng Nai và ven biển Cần Giờ. Ảnh: Linh Chi.

Thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phòng An ninh kinh tế - Công an TPHCM phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây “cát tặc” hoạt động phức tạp, các đối tượng cảnh giới tinh vi, hoạt động suốt thời gian dài.

Rạng sáng ngày 5/12/2023, Tổ công tác của Ban Chuyên án thuộc Công an TPHCM tổ chức kiểm tra, phát hiện một nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép đoạn giáp ranh giữa TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) trên sông Đồng Nai. Các đối tượng lớn bị bắt quả tang khi đang vận chuyển khối lượng cát khai thác trái phép về một địa chỉ tại khu phố Long Bửu, phường Long Bình (TP Thủ Đức).

Qua khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm của nhóm đối tượng tại TPHCM và tỉnh Đồng Nai, Ban chuyên án đã thu giữ nhiều phương tiện, máy móc và đồ vật, tài liệu liên quan đến việc tổ chức hành vi khai thác cát trái phép do đối tượng Lê Thị Như Ngọc cầm đầu.

Đường dây này đã hoạt động khai thác cát trái phép trong thời gian dài và được tổ chức kín đáo, chặt chẽ, có nhiều mánh khóe nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Từ tháng 3/2022 đến thời điểm Ban chuyên án quyết định “tung lưới”, đối tượng Lê Thị Như Ngọc đã thành lập Công ty TNHH DVTM XD Quang Thuận (địa chỉ tại TP Thủ Đức) và nhờ người khác đứng tên pháp nhân để hợp thức hóa số lượng cát khai thác trái phép trên sông Đồng Nai. Qua Công ty này, Ngọc điều hành thực hiện việc khai thác cát trái phép, với tổng trữ lượng hơn 11.000m3, các đối tượng đã tiêu thụ, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Cơ quan điều tra, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nhiều đối tượng thuộc đường dây trên để xử lý theo quy định.

Tại Hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (TPHCM) và vùng giáp ranh, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố đã đã bắt và xử lý hơn 365 vụ, tịch thu 208 phương tiện cùng tang vật, thu giữ gần 65.000m3 cát, xử phạt khoảng 6 tỷ đồng.

Theo bà Mỹ, do địa bàn quản lý rộng nên trong quá trình thực hiện đề án, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Nhất là trên địa bàn các tỉnh, thành giáp ranh với TPHCM hiện nay vẫn còn tình trạng hoạt động lén lút khai thác cát, vận chuyển khoáng sản trái phép. Riêng địa bàn TPHCM ghi nhận tình trạng đối tượng “cát tặc” hoạt động phức tạp tại các khu vực thuộc tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Sài Gòn. Trong đó, tại huyện Cần Giờ tập trung tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp tại tuyến sông thuộc các xã Tam Thôn Hiệp, Long Hòa, Lý Nhơn…

Trước tình trạng hoạt động phức tạp của nạn “cát tặc”, trong giai đoạn 2023 - 2026, Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh với các tỉnh, TPHCM triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp tại các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là công tác quản lý hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ. Công an TPHCM, Bộ đội Biên phòng và các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ để mở rộng phạm vi tuần tra, kiểm tra, rà soát nguồn gốc cát san lấp, cát xây dựng của các dự án trên địa bàn.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thắng - Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng TPHCM, thủ đoạn của các đối tượng được che đậy, hợp thức hóa rất tinh vi, thường khai thác cát vào các khung giờ đêm khuya, đến rạng sáng hôm sau, tại nhiều địa điểm xa bờ, do đó cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Long An... Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương đến xã, phường với TPHCM, tăng cường công tác phối hợp các lực lượng chức năng ở cơ sở…

Ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay không chỉ riêng TPHCM mà nhiều địa phương đang giảm mạnh trữ lượng nguồn cát xây dựng, cát san lấp. Nhiều địa phương không đủ cát để phục vụ nhu cầu xây dựng, trong khi trên thực tế cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu sử dụng cát và nguồn cung ứng cát.

Ông Châu nhìn nhận, một số quy định pháp luật về khoáng sản, trong đó có khai thác cát cũng còn nhiều kẽ hở, quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đây chính là các nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn TPHCM và các địa bàn giáp ranh diễn ra dai dẳng và chưa xử lý dứt điểm.

LÊ ANH