Giàu lên từ cây lúa
Thêm một tin vui mới cho lúa gạo Việt Nam: Mới đây, hai giống lúa truyền thống đặc sản là “khẩu xiên lăm” và “briết” đã được hồi sinh ở vùng đất biên giới nghèo tỉnh Đắk Lắk. Điều đó một lần nữa cho thấy thế mạnh của Việt Nam về lúa gạo, không chỉ đạt sản lượng cao mà còn ở độ thơm ngon của hạt gạo.
Từ một quốc gia phải nhập lương thực, nhưng với quyết tâm rất cao và trải qua bao nhọc nhằn, người nông dân đã biến Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đáng kể nhất là thành công từ loại gạo ST24 và ST25, đã hai lần được xếp hạng ngon nhất thế giới.
Trở lại với những loại lúa gạo đặc sản quý giá. Ở nhiều vùng trồng lúa trong cả nước có những loại gạo rất ngon, hương vị đặc biệt. Những năm qua, gạo Séng cù Tây Bắc (chủ yếu ở Lào Cai, Điện Biên và Yên Bái) đã nức tiếng. Séng cù được trồng trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo triền núi. Đây là loại lúa có thể chịu được hạn. Năng suất tuy không cao nhưng giá bán lại cao hơn hẳn nhiều loại gạo khác. Khi nấu chín, hạt gạo dẻo như gạo nếp, vị ngọt và thơm.
Ngược lại với giống lúa chịu hạn ở Tây Bắc, là “lúa ma” hay còn gọi là “lúa trời” ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo các nhà nông học, đây là giống lúa bản địa, dù mọc hoang, không được quy hoạch vùng trồng bài bản nhưng chứa rất nhiều gene quý hiếm không tìm thấy ở các giống lúa khác. Vào khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm, lúc trời bắt đầu sa mưa, hạt lúa bắt đầu nảy mầm và mọc cao lên, thân lúa cứng, lá to bản; rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua và hút lấy dinh dưỡng, nước trong đất để tăng trưởng. Từ tháng 8 đến tháng 12, cây lúa vươn dài, ngoi lên khỏi mặt nước, trổ đòng, đơm bông.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, sở dĩ dân gian gọi là “lúa ma” vì hạt lúa có đuôi rất dài, nước dâng tới đâu lúa cao tới đó. Sức sống của loại lúa này rất mãnh liệt. Lúa ma chín chỉ một lần trong năm vào mùa nước nổi. Đây là loại lúa chịu phèn, vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3 - 5 mét. Giống lúa này còn có thể tồn tại được trên dòng nước lũ.
Lúa ma tự động rụng vào đất, chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới.
Việc bảo quản nguồn gene cũng như nhân giống, lai tạo các giống lúa quý đã được các nhà nông học tiến hành trong nhiều năm qua. Những nỗ lực đó còn được tiếp sức từ những thành công trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ dài phải nhập khẩu lương thực. Cho dù năm đó chúng ta chỉ xuất khẩu dược 1,4 triệu tấn nhưng điều đó cũng đủ đem lại hân hoan cho đất nước.
Sau đó, năm nào sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng. Đến năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tới 8,3 triệu tấn gạo, đứng hàng đầu thế giới. Người nông dân đang dần giàu lên từ cây lúa. Theo TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh), gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế. “Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam” - ông Thành nói và cho rằng câu chuyện về gạo lúc này lớn hơn một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, mà còn là thương hiệu và uy tín quốc gia.
Tự hào về thành công lĩnh vực sản xuất lúa gạo, càng thấy việc bảo quản, nhân rộng nguồn gene các giống lúa bản địa quý hiếm là rất cần thiết. Điều đó không chỉ phục vụ tốt nhất cho người dân trong nước, làm giàu cho người trồng lúa mà còn khẳng định thương hiệu hàng đầu của hạt gạo Việt Nam trên toàn thế giới.