“Bơm” vốn phục hồi doanh nghiệp
Nhiều tổ chức dự báo, kinh tế 2024 vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Chính vì vậy, để tháo gỡ, Chính phủ đã hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Vậy làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ “bơm” vốn, đưa vốn đến doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống?
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đáng chú ý, chỉ tiêu tín dụng cũng đã được phân bổ cho từng ngân hàng, tính ra, với mục tiêu này thì năm 2024 sẽ đưa vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
NHNN cũng cho biết sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp (DN) thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng.
Có thể thấy rằng các thông điệp từ đầu năm đều hướng đến một nội dung, cần có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng được khuyến khích giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay, nắn dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh và kiểm soát với lĩnh vực rủi ro.
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, DN muốn tiếp cận vốn và ngân hàng muốn đưa được vốn đúng địa chỉ DN thì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được minh bạch hơn nữa. Bởi năm 2023, nhiều chỉ số về “sức khỏe” của DN kém khả quan hơn các năm trước, số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng hơn 20% so với năm trước. Nhưng sang quý I/2024, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN từ Tổng cục Thống kê, 31,6% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2023.
Vì thế, để tạo được niềm tin từ các ngân hàng và thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn vay, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, phải nâng cao hiệu quả và thay đổi phương thức quản lý, quản trị kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, sổ sách kế toán thực hiện theo đúng tiêu chuẩn…
“Sức khỏe” DN càng được minh chứng rõ ràng, cụ thể thì việc tiếp cận vốn vay sẽ càng dễ dàng, thậm chí có thể được hưởng những gói tín dụng ưu đãi, còn giúp dòng tín dụng được đi đúng và trúng, phát huy hiệu quả tổng hợp cho kinh tế vĩ mô.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2024, dứt khoát phải tập trung cung ứng vốn cho nền kinh tế, làm sao giúp DN thoát khỏi khó khăn. Đây vừa là trách nhiệm chung với nền kinh tế, vừa là trách nhiệm với chính bản thân các ngân hàng, bởi nếu không có khách vay vốn và gửi tiền, thì ngân hàng cũng không thể tồn tại.
“Trong hệ thống ngân hàng, đâu đó vẫn còn hiện tượng một số cán bộ ngân hàng chưa đồng cảm với khách hàng, chỉ tập trung nhìn vào lãi suất mà chưa quan tâm chia sẻ, hỗ trợ DN vượt khó. Vì vậy, các ngân hàng phải hòa cùng DN, đứng cùng DN, chung vốn làm ăn với DN. Tất nhiên, thông điệp đưa ra là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, song vẫn không được hạ chuẩn tín dụng. Ngân hàng thúc đẩy cho vay, song vẫn phải thu hồi được nợ, hạ lãi suất hỗ trợ DN, song không để xảy ra thua lỗ, gây mất an toàn hệ thống” – Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Tập trung tín dụng vào sản xuất xanh
Theo phân tích của giới chuyên gia, cần phải đưa vốn từ các lĩnh vực nhạy cảm, chảy tập trung tín dụng vào sản xuất “xanh” như lâm nghiệp, nông nghiệp, năng lượng tái tạo.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, khu vực DN tư nhân cần phải được kích thích để hoạt động trở lại mạnh mẽ hơn. Đây là khu vực cần vốn lớn, phải đưa vốn chảy vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư thương mại, xuất khẩu, logistics, du lịch… Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, bản thân ngân hàng cũng chủ động đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN.
Theo chia sẻ của ông Vũ Công Huân - Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC (Thái Bình), từ những tháng cuối năm 2023 lượng hàng bán ra đã tăng thêm khoảng 20%, bên cạnh xuất khẩu, DN đang đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước, mỗi ngày có thêm từ 3 – 4 chuyến xe chở hàng tới các siêu thị và điểm bán lẻ. Lượng hàng bán ra tăng nên nhu cầu vốn của DN cũng tăng tương ứng. Trước đây, công ty vay vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân với lãi suất từ 9 - 10%. Tuy nhiên, hiện nay, do được vay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất từ 5-5,5%/năm từ các ngân hàng thương mại quốc doanh đã giúp công ty giảm bớt gánh nặng chi phí.
Lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, thanh khoản hệ thống vẫn ở trạng thái dồi dào, nhưng các ngân hàng luôn thận trọng việc đưa vốn cho DN bởi lo ngại nợ xấu gia tăng nên hạn chế cấp tín dụng đối với các DN quá khó khăn, chưa có dự án kinh doanh khả thi.
Ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) cũng cho hay, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới lớn, giá gạo tăng kỷ lục, sản lượng xuất khẩu gạo của các DN Việt cũng tăng theo. Nhờ sự hỗ trợ về nguồn vốn, DN đã chủ động thu mua lúa gạo từ bà con và giúp có cơ hội ngay khi có đơn hàng về.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, với những DN có đơn hàng, đầu ra sản phẩm ổn định sẽ được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN SHB cho hay: Khi tham gia vào chuỗi liên kết, DN sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do họ đã xác định được đầu vào, đầu ra cụ thể. Về phía ngân hàng, khi tài trợ cho khách hàng trung tâm, chúng tôi dễ dàng kiểm soát được dòng tiền, qua đó giúp DN tiết giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào chuỗi giao dịch.
Còn theo nhận định của TS Lê Duy Bình, hiện tại, một số chỉ số kinh tế đang tốt hơn như lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu hồi phục. Cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, đà tăng tín dụng có thể duy trì trong năm 2024. Về mặt triển vọng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ tích cực hơn so với năm nay. Cộng với các biện pháp như hiện nay NHNN đang thực hiện cũng tạo ra kỳ vọng tín dụng có mức độ tăng khá trong năm tới.
Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” diễn ra vào ngày 15/1, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá, năm 2024 còn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ; trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn,… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.
“Kiến nghị của nhiều chuyên gia về việc tăng cường mở rộng tài khóa - tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng dựa trên đánh giá về năng lực cải cách - điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới” - Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:
Các DN cần cơ cấu và xác định lại nguồn lực cũng như huy động vốn, trang thiết bị công nghệ, đặc biệt là trang thiết bị đảm bảo đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Như vậy, ngành ngân hàng sẽ tư vấn cho các DN để có thể thu hút và tận dụng những nguồn tài chính xanh mà ngân hàng trong nước và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đang cung cấp. Với lĩnh vực xuất nhập khẩu, các tổ chức tín dụng đã áp dụng dịch vụ bao thanh toán, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có thể xuất nhập khẩu. Ngành ngân hàng cũng đang hướng tới việc kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán nhằm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa có đủ năng lực về sản xuất, kinh doanh.