Xã hội

Hà Nội vẫn loay hoay xử lý nước thải

NAM ANH 16/01/2024 06:33

Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội, vào năm 2030, hệ thống nước thải của thành phố sẽ được thu gom và xử lý với 41 nhà máy, công suất 1.800.000m3/ngày đêm, xử lý 100% nước thải sinh hoạt.

anh-bai-tren.jpg
Nước thải đổ ra hệ thống cống Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không được xử lý trước khi xả thẳng tới sông Tô Lịch. Ảnh: Nam Anh.

Nước thải được xử lý chưa đến 30%

Tuy nhiên, đến nay Hà Nội mới chỉ có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt. Nhiều trạm như Kim Liên, gần 20 năm công suất không thay đổi. Như vậy tính tổng công suất 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt còn lại của TP Hà Nội như Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, thì hiện cũng chỉ xử lý được gần 30% tổng lượng nước thải của Thủ đô mỗi ngày.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội - ông Lê Xuân Rao, việc thu gom nước thải đôi khi gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường ống thu gom khá xa với khu dân cư; công nghệ xử lý tại nhiều nhà máy là cơ bản truyền thống; tổng lượng nước thải được xử lý triệt để bảo đảm các yêu cầu phục vụ tái sử dụng nước còn thấp. Hiện nhiều nhà máy xử lý nước thải được xây dựng trong thời gian trước, đã cũ ảnh hưởng không ít đến việc xử lý khối lượng nước thải đang ngày càng tăng tại các khu đô thị, cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân…

Từ nhiều năm trước, Hà Nội đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Đặc biệt, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP Hà Nội: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và sông Sét, là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND thành phố phê duyệt từ tháng 12/2021. Tuy nhiên theo đánh giá, những giải pháp đã thực hiện cũng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi hàng ngày, 90% khối lượng của khoảng 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải không hề được xử lý trước khi đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Hà Nội có lượng nước thải sinh hoạt rất lớn và rất ô nhiễm, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Môi trường nước tiếp nhận lượng nước này là các hồ, kênh, mương và sông. Hầu hết các cơ sở công nghiệp đều xả trực tiếp nước thải vào các sông thoát nước chính là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và các mương, hồ của thành phố. Đã có nhiều tài liệu cho thấy, nước thải công nghiệp của Hà Nội có chứa các chất lơ lửng, các hợp chất chứa P, N, chỉ số BOD5 (nhu cầu ôxy sinh hóa các chất hữu cơ), COD (nhu cầu ôxy hóa học chất hữu cơ), kim loại nặng đều rất cao.

Hầu hết các sông hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm cả về cơ học, hóa học và sinh hoạt, có sự phân hủy yếm khí tạo ra khí độc như H2S, NH4. Hàm lượng NO2, NO3 đều cao, BOD5 quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) tới 3 lần. Thậm chí, hàm lượng coliform của một số hồ gần khu vực dân cư vượt TCCP tới 100 - 200 lần, vào mùa khô vượt tới... 700 lần.

Được biết, không riêng gì Hà Nội, việc xử lý nước xả thải cũng đang là vấn đề “nóng” của các địa phương trong cả nước. Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu mét khối nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu mét khối được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường.

Cần đồng bộ các giải pháp

Nhiều ý kiến cho rằng công tác thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội là vấn đề cấp bách. Nước thải nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây nhiễm độc nguồn nước ngầm và rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.

Thống kê sơ bộ, hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) mới, 9 KCN cũ và 29 cụm công nghiệp. Khoảng 100% các KCN có các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, nhưng chỉ khoảng 60% các cụm công nghiệp có các trạm xử lý nước thải tập trung. Đáng nói là phần lớn các KCN và cụm công nghiệp các thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu đã thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm về chất thải rắn.

Để cải thiện chất lượng nước thải trên địa bàn Hà Nội, GS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông hồ nội đô, kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí và các công trình văn hóa, tâm linh... trên mặt nước. Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập. Và đồng thời kiểm soát hoạt động các nhà máy, cũng như công trình xử lý nước thải xả vào sông...

NAM ANH