Đến năm 2025 khoảng 45% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đến năm 2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động và nhân dân. Từ đó, từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài chính các quỹ BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp; góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt khoảng 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% LLLĐ trong độ tuổi (năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt đạt khoảng 60% và 5%).
Đồng thời, đặt mục tiêu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (năm 2023: 60%); khoảng 35% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHTN (năm 2030: 45%); trên 95% dân số tham gia BHYT (năm 2030: trên 97%).
Về lĩnh vực chuyển đổi số, đến năm 2025, phấn đấu đạt: 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 95% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng; 100% người tham gia BHXH, BHTN, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử; 100% người dân tham gia BHYT đã được cấp căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh…
Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; Kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác; 100% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được tái cấu trúc và ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; 100% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng…
Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân và người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.