Văn hóa

Gameshow âm nhạc “hụt hơi”

Minh Quân 17/01/2024 08:57

Các gameshow truyền hình về âm nhạc vốn thu hút khán giả, nhất là vào các khung giờ “vàng” dịp cuối tuần. Tuy nhiên, do quá lạm dụng các chiêu trò, nhiều chương trình đang dần mất điểm.

anhbaitren(1).jpg
Chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Ảnh: BTC.

Những làn gió mới

Sau một thời gian “im hơi, lặng tiếng”, các gameshow về âm nhạc đang đánh dấu sự trở lại với nhiều phiên bản khá ấn tượng. Có thể kể đến như Ca sĩ mặt nạ, Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc thế hệ mới 2023, Sàn chiến giọng hát… và mới đây là Chị đẹp đạp gió rẽ sóng.

Được ưu ái phát sóng hầu hết trong các khung giờ “vàng”, các chương trình không chỉ tìm kiếm ra những tài năng âm nhạc mới, mà giờ đây “sân chơi” còn quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng, đẳng cấp. Điều đó ít nhiều đã thổi làn gió mới vào các chương trình, thu hút được người xem không chỉ trên sóng truyền hình mà còn các nền tảng trực tuyến.

Đơn cử, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng quy tụ 30 nghệ sĩ trên 30 tuổi, sau 12 tập phát sóng hầu hết các clip được đăng tải trên trên Youtube đều đạt được hơn 2 triệu lượt xem, số lượt xem và hashtag liên quan đến chương trình cũng đã vượt qua con số 1,5 tỷ. Điểm cộng của chương trình chính là có sự góp mặt của 30 “chị đẹp” là những diva, người đẹp, các ca sĩ trẻ nổi tiếng như Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Ninh Dương Lan Ngọc, Lệ Quyên, Khổng Tú Quỳnh, Diệp Lâm Anh... Chị đẹp đạp gió rẽ sóng đã mang đến cho khán giả những “bữa tiệc” âm nhạc, vũ đạo đẳng cấp trên một sân khấu ấn tượng. Chưa kể, chương trình cũng phần nào thành công trong việc thay đổi góc nhìn của khán giả về nghệ sĩ khi khai thác những khía cạnh đời thường của các “chị đẹp”. Qua những tâm sự của các nghệ sĩ, người xem có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ đằng sau ánh đèn sân khấu, những áp lực, căng thẳng mà họ phải đối mặt trong quá trình hoạt động nghệ thuật và cách họ vượt qua tất cả để cống hiến cho công chúng.

Tương tự, Ca sĩ mặt nạ sau thành công ở mùa giải đầu tiên với hơn 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng cũng đã đánh dấu sự trở lại với nhiều đổi mới. Ngoài sự tham gia của nhiều giọng ca đầy nội lực, Ca sĩ mặt nạ mùa 2 vẫn tiếp tục gây ghi điểm với khán giả với những mascot (linh vật) ấn tượng. Cùng đó, Vietnam Idol đã mang đến cho khán giả những tư duy, thẩm mỹ âm nhạc và sự đa năng của các bạn trẻ. Thậm chí, nhiều thí sinh tự tin, mạnh dạn có những phá cách tạo đời sống mới cho các ca khúc đã “đóng đinh” tên tuổi trước đó.

Những điểm trừ đáng tiếc

Bên cạnh những thành công của một số gameshow âm nhạc mang đến cho công chúng, trong thời gian qua đã có không ít những lùm xùm, tranh cãi đến từ khán giả. Tiêu điểm là Chị đẹp đạp gió rẽ sóng đang là những “khẩu chiến” trên các nền tảng mạng xã hội trong việc bình chọn thí sinh bị loại và lọt vào vòng tiếp theo. Trước đó, Rap Việt mùa 3 cũng gây tranh cãi dữ dội.

Cùng cảnh ngộ, Ca sĩ mặt nạ mùa 2 cũng bị đánh giá là thiếu đi sự “bí ẩn” đặc trưng của chương trình, thậm chí kết quả sau mỗi tập thi là… khá dễ đoán. Dù thu hút hơn 1,3 tỷ lượt xem nhưng Ca sĩ mặt nạ mùa 2 vẫn không tạo được những bản “hit” như mùa giải đầu tiên, các ca sĩ sau khi bị loại đều khá nhạt nhòa. Chưa kể, việc lịch phát sóng chương trình nhiều lần bị hoãn, rồi kéo dài khi công bố ca sĩ lột mặt nạ sang một tập sau đó (từ tập 2 đến tập 6, BTC đưa phần lộ diện mascot qua ngày phát sóng khác), khiến khán giả cảm thấy thất vọng vì cảm xúc bị ngắt quãng.

Có thể nói, gameshow ca nhạc chiếm số lượng khá nhiều trên sóng truyền hình nhưng “số phận” của nhiều chương trình đang rơi vào bi kịch của sự nhàm chán do chính nội dung mà nhà tổ chức tạo nên.

TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu thanh niên) cho rằng, các gameshow âm nhạc được tổ chức trong thời gian qua đã phần nào thoả mãn nhu cầu tiếp cận thần tượng của giới trẻ và thoả mãn đam mê của nhiều bạn trẻ với âm nhạc. Tuy nhiên, nhà sản xuất chương trình đôi khi chọn cách khai thác chưa phù hợp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. “Để các chương trình âm nhạc trên truyền hình đảm bảo tiêu chí giải trí và giáo dục, các cơ quan quản lý văn hóa cần giám sát chặt việc phát sóng của các chương trình. Các nhà đài, nhà sản xuất cũng phải nghiên cứu kỹ nội dung khi xây dựng chương trình và cả trước khi phát sóng” - ông Tuấn Anh bày tỏ.

“Gần đây tôi thường rất kén chọn ngồi ghế giám khảo hay tham gia vào một gameshow nào liên quan đến âm nhạc, bởi bản thân không còn hứng thú. Thời gian vừa qua, tôi đã bỏ hầu hết những công việc liên quan đến các gameshow, đặc biệt liên quan đến âm nhạc. Bởi vì nó không còn chất lượng như tôi mong muốn, hoặc như tôi đã từng tham gia” - nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ.

Minh Quân