Thu hút sinh viên bằng chính sách học bổng, giảm học phí
Trong bối cảnh học phí nhiều trường đại học (ĐH) tăng cao, để thu hút sinh viên đăng ký xét tuyển cũng như bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH, các trường đã xây dựng các chính sách học bổng, giảm học phí và tăng thêm các quỹ để hỗ trợ sinh viên nghèo…
Nhà trường chủ động
Năm học tới 2024 - 2025, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) dự kiến tặng học bổng 100% học phí học kỳ I cho học sinh theo học 22 ngành tiềm năng. Ngoài ra, nhà trường xây dựng nhiều giải pháp giảm gánh nặng học phí như chính sách đóng học phí thành 3 học kỳ; đóng học phí theo tháng lãi suất 0% áp dụng suốt toàn khóa học.
Trường ĐH Gia Định (GDU) cho biết, sẽ dành 1.000 suất học bổng học phí trọn khóa 80 triệu đồng, tức giảm khoảng 20%. Ngoài ra, trường có thêm học bổng dành cho thủ khoa ngành, sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có điểm học bạ, điểm tốt nghiệp THPT điểm cao, sinh viên gần trường, nhập học sớm...
ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, nhà trường có các chính sách học bổng đa dạng dành cho sinh viên như học bổng khuyến khích học tập, học bổng Trần Đại Nghĩa, học bổng tài trợ, học bổng trao đổi sinh viên quốc tế... Đơn cử, đầu tháng 1/2024 này, sinh viên nhà trường liên tiếp nhận học bổng từ các doanh nghiệp như: 19 suất Học bổng Niềm tin trị giá 600 triệu đồng; 8 suất học bổng Nữ sinh công nghệ được trao cùng cơ hội thực tập, làm việc tại tập đoàn công nghệ đa quốc gia…
Ngoài các chính sách học bổng từ chính trường ĐH, nhiều trường cũng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các doanh nghiệp giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn cũng như tạo động lực, môi trường thực hành, phát triển cho các em.
Riêng với một số ngành "kén" người học, nhiều trường ĐH có cơ chế hỗ trợ học phí riêng. Từ năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên ngành triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin thư viện… Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM đã thực hiện chính sách cấp học bổng toàn phần, bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển một số ngành học và thực hiện mức thu học phí thấp hơn đối với các ngành học.
Tiếp sức sinh viên đến trường
Trong một báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo về tự chủ ĐH được tổ chức năm 2023, đã chỉ ra khía cạnh bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH tại Việt Nam vẫn còn thiếu vắng chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế (nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật, đối tượng có khó khăn đặc thù). Các công cụ hỗ trợ tài chính hiện có gồm học bổng, miễn/giảm học phí và cho sinh viên vay cùng các ưu đãi phi tài chính như cử tuyển với học sinh dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Mặc dù đến nay chính sách tín dụng sinh viên đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, góp phần giúp nhiều học sinh viết tiếp giấc mơ giảng đường nhưng nhìn chung, vẫn cần thêm những hỗ trợ khác để người học giảm bớt áp lực tài chính, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, nhiều sinh viên đến trường với nỗi lo canh cánh trong lòng về hoàn cảnh gia đình. Từ những trăn trở này, Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn đã được sáng lập và ra mắt hôm 12/1 vừa qua nhằm động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó, phát huy năng lực của bản thân trong học tập và rèn luyện.
Làm sao để không làm giảm cơ hội học tập của các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế... là vấn đề đang được quan tâm. Bên cạnh sự chủ động từ các trường, theo các chuyên gia, người học cũng có thể nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn những ngành, chuyên ngành được miễn, giảm học phí theo Nghị định 81/2021 để giảm áp lực tài chính của gia đình. Đơn cử, những sinh viên học chuyên ngành Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước được miễn học phí 100%.
Theo Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1, hai ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Sinh viên cần có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng quy định cũng sẽ miễn 100% học phí với người học.