Khó “mạnh tay” với doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho biết, trong 7 năm qua đã ban hành hơn 4.252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền xử phạt là 217,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Người lao động chịu thiệt
Người lao động đi làm, ngoài việc lĩnh lương trang trải cuộc sống hàng ngày, họ còn trông đợi vào số tiền đóng BHXH để tuổi già có thể an tâm phần nào với đồng lương hưu. Nhưng quyền lợi của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Mất đi “giá đỡ” an sinh đầu tiên chính là vì không được đóng BHYT nên dù có ốm đau bệnh tật, người lao động phải chi trả 100% viện phí. Nhiều lao động "ngậm đắng nuốt cay" khi tiền thai sản, trợ cấp thất nghiệp mất trắng...
Gần 20 năm làm công nhân nhưng lúc cần đến thẻ BHYT thì chị Nguyễn Thu Nga, công nhân khu công nghiệp (Thạch Thất, Hà Nội) không thể dùng thẻ BHYT để chữa bệnh do công ty nợ BHXH kéo dài. Điều này đồng nghĩa với việc thẻ BHYT chị không được gia hạn và chị Nga cũng không thể đóng để mua thẻ BHYT. “Gần 2 tuần nằm viện tất cả chi phí tôi phải tự túc, điều này đồng nghĩa với việc mất đi 2 tháng thu nhập. Tôi đã kiến nghị nhưng công ty cũng chỉ trả lời do khó khăn, không có đơn hàng nên buộc phải nợ BHXH” - chị Nga chia sẻ.
Thống kê từ cơ quan BHXH Hà Nội cho thấy, có gần 100.000 đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang tham gia BHXH, BHYT với hơn 2 triệu người lao động thuộc đối tượng tham gia các chính sách theo diện bắt buộc. Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, song tình trạng chậm đóng vẫn chưa được khắc phục. Tính đến đầu năm 2024, khoảng 640.000 người lao động tại 53.000 DN chịu thiệt thòi do bị nợ BHXH, với số tiền hơn 4.260 tỷ đồng. Trong đó có 25 DN, đơn vị nợ từ 10 tỷ đồng trở lên, nợ cao nhất là 60 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn lao động đang bị mất đi “giá đỡ” an sinh xã hội như tiền chi trả ốm đau, thai sản...
Ông Lò Quân Hiệp - Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, cơ quan BHXH thành phố đã ban hành 238 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BHYT với tổng số tiền 13,1 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 59 đơn vị chấp hành quyết định xử phạt với tổng số tiền nộp phạt là 2,2 tỷ đồng.
Lý giải về việc số DN chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thấp (24,7%), ông Hiệp cho biết, có nhiều quyết định cưỡng chế được ban hành nhưng DN cho số tài khoản không còn tiền, nên không thể cưỡng chế được. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, tài khoản của DN ngân hàng không được cung cấp cho bên ngoài, nên khó khăn cho việc cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH...
Mặc dù số tiền chậm đóng giảm, thế nhưng số đơn vị chậm đóng lại tăng. Nếu như năm 2021 có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng BHXH, thì năm 2022 tăng lên hơn 31.800 đơn vị, trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng. Một số địa phương có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao, gồm: TPHCM hơn 4.328 tỉ đồng, Hà Nội hơn 4.081 tỉ đồng, Hải Phòng trên 650 tỉ đồng, Thanh Hoá trên 459 tỉ đồng, Bình Dương trên 412 tỉ đồng…
Xử lý hành chính không đủ sức răn đe
Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ngành BHXH đã triển khai các hoạt động thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về đóng, xử phạt vi phạm hành chính, và lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể, giai đoạn 2016 đến 15/11/2023, đã ban hành hơn 4.252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền xử phạt là 217,9 tỷ đồng; giai đoạn 2018 (Bộ luật Hình sự có hiệu lực) - 10/2023 đã lập, gửi 378 hồ sơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều tra, khởi tố hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Mặc dù vậy theo BHXH Việt Nam, đến nay tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động...
Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Hà Nội đã chủ động báo cáo, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đến các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng.
Với các đơn vị có hành vi vi phạm nghiêm trọng, BHXH thành phố đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự, nhưng chưa có DN nào bị xử lý do vướng nhiều yếu tố. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với các đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài…Dù vậy, việc nợ tiền BHXH vẫn ở mức đáng báo động. Trước thực tế này,căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra về BHXH trong năm 2023, BHXH Hà Nội đang kiến nghị Công an thành phố khởi tố hình sự đối với 7 vụ việc vi phạm chính sách BHXH, BHYT.
Cần những giải pháp đồng bộ
Theo BHXH Việt Nam, sở dĩ chưa có DN nào bị xử lý hình sự vì theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự, hành vi cấu thành tội trốn đóng là hành vi “không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định” và “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Áp dụng quy định này để xử lý hình sự thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng hành vi đã bị xử phạt là hành vi “không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định”.
Quan điểm khác lại xác định hành vi đã bị xử phạt phải là hành vi “trốn đóng” và việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng là một trong những điều kiện để khởi tố đối với tội danh này. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính...
Thực tế hiện có nhiều đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ BHXH, BHTN kéo dài, nhưng không còn tài sản đảm bảo, hay nguồn tài chính để trả tiền đóng BHXH. Vì vậy số tiền chậm đóng BHXH, BHTN ở các đơn vị này tồn tại từ nhiều năm nay, không thể giải quyết do pháp luật chưa có quy định để xử lý số tiền này. Đây cũng chính là vấn đề đang ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn gia đình người lao động. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với những trường hợp đặc biệt này, người lao động hết sức khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH, kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác.
“Nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm là vấn đề rất đáng quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động. Người lao động đi làm công nhân ngoài lương ra chỉ biết trông chờ vào sổ hưu và thẻ BHYT thế nhưng DN lại nợ. Chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với các DN nợ đóng bảo hiểm, chậm đóng bảo hiểm hoặc không đóng bảo hiểm” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.