Tuân thủ quy định kiểm định
Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) vừa công nhận hoạt động của 4 tổ chức kiểm định quốc tế tại Việt Nam. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo đó, 5 trung tâm kiểm định thuộc các cơ quan nhà nước là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TPHCM; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng (CĐ)Việt Nam.
Cùng với đó, có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty cổ phần đầu tư giáo dục TPHCM); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).
Và ngoài 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vừa được Bộ GDĐT công nhận (là ACQUIN, THE-ICE, ACBSP, ABET) mới đây, thì trước đó đã có 6 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm.
Theo báo cáo tổng kết tuyển sinh từ năm 2022 của Bộ GDĐT, cả nước có 330 cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm. Thống kê đến ngày 31/10/2023 cho thấy, mới chỉ có 207 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục. 123 cơ sở còn lại chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn. Trong số này, có 9 trường ĐH thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH theo tiêu chuẩn nước ngoài, phần lớn là các trường khối kỹ thuật. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài có tỷ lệ gần bằng 50% số chương trình kiểm định theo chuẩn trong nước.
Được biết, tính đến cuối năm 2023 có 4/7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước dù giấy phép hoạt động hết hiệu lực nhưng công tác kiểm định vẫn được diễn ra. Trong đó có các trung tâm trực thuộc hai ĐH Quốc gia. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, tình trạng trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục dù giấy phép hết hiệu lực, chưa được gia hạn nhưng vẫn hoạt động kiểm định một phần đến từ việc thiếu thận trọng, cẩu thả trong lựa chọn đơn vị kiểm định của các đơn vị có nhu cầu kiểm định. Khi trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chưa được cơ quan quản lý gia hạn giấy phép hoạt động thì cần phải tuân thủ đúng quy định, thể hiện sự thượng tôn pháp luật.
Trong khi, với các tổ chức kiểm định nước ngoài vừa được công nhận, Bộ GDĐT yêu cầu các tổ chức đó có trách nhiệm duy trì, đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam; minh bạch thông tin về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam thông qua việc gửi các báo cáo đánh giá ngoài chương trình đào tạo về Bộ GDĐT Việt Nam (qua Cục Quản lý chất lượng) sau khi kết thúc mỗi cuộc đánh giá. Các tổ chức báo cáo Bộ GDĐT Việt Nam định kỳ hằng năm về kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam vào trước ngày 31/12 và báo cáo về sự thay đổi (nếu có) liên quan đến tình trạng pháp lý của tổ chức; đồng thời tuân thủ các quy định về giám sát tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và quy định pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.