Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Đầu tư sớm đường sắt đô thị để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
Hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngày 17/1, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội thảo hướng tới 3 mục tiêu. Theo đó, trao đổi, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. Tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác đường sắt đô thị. Đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo 5 nhóm lĩnh vực trọng yếu.
Ông Thanh nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là 2 đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.
Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.
Thời gian vừa qua, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng sự nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.
Hội thảo sẽ tập trung trao đổi 5 chủ đề chính gồm: (1) Quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); (2) Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; (3) Thu hút nguồn lực từ đất đai; (4) Tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ cho đường sắt đô thị; (5) Mô hình quản lý, tổ chức thực hiện dự án đường sắt đô thị; Trong đó, trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); mô hình TOD cùng với các công cụ thu hồi giá trị gia tăng từ đất (LVC); Đây là 2 nội dung được kỳ vọng sẽ đem lại các giải pháp mới cho đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý hãy tham góp nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, các giải pháp khả thi, tiếp tục đồng hành cùng với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển đường sắt đô thị, góp phần xây dựng 2 thành phố văn minh-hiện đại và phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035. Theo đó, 2 TP phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm tới.
“Đây là thách thức vô cùng to lớn đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân ở 2 TP. Nếu với cách tiến cận triển khai và cách làm tương tự như trong thời gian vừa qua thì chắc chắn không thể thực hiện được mục tiêu này”- ông Cường khẳng định và cho biết, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xác định cần tiếp tục tăng cường sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai chủ trương nêu trên của Bộ Chính trị đối với 2 thành phố trong thời gian tới.
Để thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị đòi hỏi 2 thành phố phải quyết tâm lãnh đạo để thực hiện quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá trên các lĩnh vực, cần có sự phối hợp để triển khai hiệu quả trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, đặc biệt là gắn với mô hình TOD.