Lãi suất giảm sâu, ngân hàng vẫn hút tiền gửi
Lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, trong đó, có ngân hàng đưa lãi suất thấp nhất xuống còn 1,7%/năm. Tuy nhiên tiền vẫn chảy vào ngân hàng.
Nhiều ngân hàng hạ lãi suất
Tháng đầu tiên của năm 2024, nhiều ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất huy động. Trong đó với nhóm ngân hàng có phần vốn nhà nước, giảm lãi suất mạnh nhất.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm suất huy động ở mức 0,1 - 0,2% ở loạt kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank giảm từ 1,9%/năm xuống còn 1,7%/năm.
Lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,2% xuống 2%/năm. Lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tiền gửi Vietcombank kỳ hạn 12 tháng trở đi chỉ còn 4,7%/năm, giảm 0,1%. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện nay.
Hiện lãi suất Vietcombank thấp nhất trong nhóm Big 4 (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank - PV), đồng thời cũng là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường...
Tính đến ngày 16/1, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng quy mô lớn đã giảm về 4,75%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 5,08%. Còn ở kỳ hạn 1 - 3 tháng, bình quân lãi suất huy động toàn hệ thống đã về mức 2,8%, giảm thêm 0,3 điểm phần trăm. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về 2,2%, nhóm ngân hàng thương mại nhỏ là 3,42%.
Chị Hằng Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết cuối năm 2022 gửi 500 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng tại một ngân hàng nhà nước, được hưởng lãi suất 7,8%; tương đương số tiền lãi gần 40 triệu đồng. Nhưng khi khoản tiền gửi đáo hạn đợt này, lãi suất mới còn dưới 5% một năm. Số lãi giảm xuống gần một nửa. "Lãi suất giảm sâu quá. Tuy nhiên, chẳng biết làm ăn, buôn bán gì nên tôi vẫn để số tiền này ở ngân hàng" - chị Nga chia sẻ.
Trường hợp như chị Nga tương đối đông, nhiều người gửi tiền khác cũng chung cảm giác buồn vì năm ngoái họ được hưởng lãi suất tương đối cao, giờ thì chẳng khác gì ngân hàng giữ hộ tiền.
Ông Hoàng Bảo (Hà Nội) chia sẻ, mình có sổ tiết kiệm gần 1 tỷ đồng. Với số tiền này, ông chưa thể đầu tư bất động sản, cũng không dám đưa con cái đầu tư vàng trước sự biến động của thị trường gần đây. Để không phải “đau đầu”, ông vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng.
Theo các chuyên gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang dồi dào có nghĩa là dòng tiền trong nền kinh tế vẫn đang bị ứ đọng tại một số khu vực, vòng luân chuyển của các nguồn vốn cũng không còn linh hoạt như những năm trước. Sau thời kỳ đại dịch Covid-19, thế giới bước vào đợt suy thoái kinh tế. Đứng trước triển vọng không mấy chắc chắn của nền kinh tế, môi trường kinh doanh vẫn khá rủi ro, không quá ngạc nhiên khi nguồn tiền nhàn rỗi vẫn đang tập trung trú ẩn vào hệ thống ngân hàng. Lý do đơn giản là vì đây là kênh an toàn hơn cả hiện tại.
TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng phân tích, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng vì các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản hiện không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Cơ hội giảm lãi suất cho vay
Dù ngân hàng giảm lãi suất và xu hướng giảm kém dài hơn nửa năm nay nhưng lượng tiền vẫn đổ về ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Tính chung trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay, và ước tính riêng quý 4 tăng trên 800.000 tỷ đồng.
Thông thường khi lãi suất huy động giảm lượng tiền gửi cũng giảm theo vì phải cạnh tranh với nhiều kênh huy động hấp dẫn khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ… Thế nhưng, thời điểm hiện tại tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định và chênh lệch khá cao so với thế giới; ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm.
Giới chuyên gia chỉ ra, lãi suất tiền gửi liên tục giảm do ngân hàng thương mại đang quá “dư dả” tiền, trong khi lượng vốn cho vay ra vẫn ở mức thấp. Dù các ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi tín dụng, giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng, nhất là với nhu cầu mua nhà nhưng theo các chuyên gia, sức cầu tiêu thụ yếu nên cả doanh nghiệp và người dân đều chưa mặn mà để vay vốn mua sắm hay đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Song cũng cần nhìn nhận môt điểm khi lãi suất huy động giảm cũng được coi là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tăng trưởng trong năm mới. Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1,0%.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng dự báo lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể giảm thêm để tương xứng với mức lãi suất huy động khá thấp hiện tại. Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay lý tưởng nhất ở thời điểm hiện tại cho kỳ trung hạn từ 3 - 5 năm vào khoảng 6,5% là hợp lý. Trong buổi họp báo đầu năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng,... phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.