Tạo cơ chế để người dân giám sát
Ngày 17/1, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và tổng kết 10 năm thực hiện quyết định số 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố khá chủ động trong việc tạo ra hành lang về cơ chế, chính sách đặc thù đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cụ thể, ngay từ năm đầu thực hiện 2 quyết định của Bộ Chính trị, TPHCM đã xây dựng Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đáng chú ý, tháng 5/2017, TPHCM ban hành Quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan góp ý về chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành. Đến tháng 12/2017, thành phố tiếp tục ban hành quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đây là các cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị về lãnh đạo thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM” giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể hóa đề án này, tháng 5/2023 thành phố đã ban hành Thông tri số 24 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM cho biết, để thực hiện có hiệu quả các quyết định của Bộ Chính trị và Thông tri số 31-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, HĐND thành phố đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng và hình thức giám sát, chọn đúng và trúng nội dung cần giám sát. Từ góp ý, kiến nghị của cử tri, nhân dân để kịp thời ban hành các chủ trương phù hợp với tình hình của thành phố, khắc phục những hạn chế, thiết sót của chính quyền, đồng thời phát huy vai trò cơ quan đại diện nhân dân giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương.
Cũng theo ông Bình, đến nay giữa Thường trực HĐND, UBND thành phố và Ban Thường trực MTTQ thành phố đã có Quy chế phối hợp công tác để tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…
Sớm ban hành “cơ chế tiếp thu” ý kiến giám sát
Góp ý tại Hội nghị, ông Võ Văn Thiện - Trưởng ban Công tác phía Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam TPHCM cần sớm nghiên cứu và tham mưu cho Thành ủy đề ra cơ chế cụ thể về việc tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả phản biện xã hội hiện nay. “Thời gian qua sau khi nhận phản biện, các chủ thể có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu, nhưng cần phải có cơ sở để công khai cho nhân dân biết tại sao lại có sự xử lý như vậy. Nếu không có các quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể thì phản biện xã hội sẽ chỉ tồn tại như một hoạt động mang tính hình thức, lãng phí, không hiệu quả” - ông Thiện nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thiện, các nội dung giám sát cần tập trung vào giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân gắn với thực hiện Quy định 124 của Ban Bí thư. Ông Thiện cũng đề nghị, TPHCM tập trung giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu thực tế theo Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
“Không ít địa phương thực hiện phản biện xã hội mang tính hình thức nên ít động viên được nhân dân trực tiếp tham gia. Các chủ thể tiến hành thiếu những biện pháp chủ động, tích cực để tập hợp và phản ánh trung thành những ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Giá trị của nhiều ý kiến phản biện gần như chỉ mang tính tham khảo. Các chủ thể có thẩm quyền gần như đọc xong rồi để đấy, không có sự tiếp thu hay phản hồi, chính điều này đã làm giảm đi phần nào giá trị của những ý kiến phản biện” - ông Thiện nói.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đề nghị, tiếp tục nâng cao chất lượng của hai Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW. Từ đó, phát huy hiệu quả, vai trò của công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ông Hải đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần thực hiện tốt các quy định về dân chủ ở cơ sở, để từ đó phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện sát với các vấn đề dân sinh bức xúc. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn giám sát, các chuyên gia, nhà khoa học, các Ban Tư vấn, Tổ tư vấn, những người am hiểu đối với các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt, cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho lực lượng giám sát ở cơ sở.