Nhiều phương thức tuyển sinh, thí sinh nên chọn thế nào?
Các trường đại học tiếp tục đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh trong năm 2024. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin, đề án tuyển sinh của các trường để tận dụng các cơ hội xét tuyển.
Từ đầu tháng 1/2024, nhiều trường đại học đã nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) đang nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tiên, bắt đầu từ ngày 15/1 đến ngày 31/3.
Thông tin từ phía nhà trường cho biết, năm 2024, trường dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.
Với 36 ngành học đa dạng lĩnh vực và 6.610 chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường lưu ý, thí sinh đã có lựa chọn ngành học phù hợp thì nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển học bạ đầu tiên này để nắm bắt nhiều lợi thế.
Tương tự, một số trường đại học phía Nam cũng đang mở cổng nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học tập qua học bạ THPT đợt 1 như: Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Hồng Bàng.
Kỳ tuyển sinh riêng năm 2024 cũng được khởi động sớm hơn mọi năm. Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng để lấy kết quả tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, trong hai ngày 2 - 3/12/2023, khoảng gần 3.000 thí sinh cả nước đã tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy do đơn vị này tổ chức.
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) học sinh THPT năm 2024. Theo đó, năm 2024 nhà trường sẽ tổ chức dự kiến 6 đợt thi. Thời gian mở cổng đăng ký đợt 1 vào ngày 18/2/2024.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của nhiều trường đại học đã công bố cho thấy, về cơ bản các trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, tuy nhiên đã có sự điều chỉnh về chỉ tiêu của từng phương thức.
Xu hướng của một số trường là giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; giảm chỉ tiêu xét học bạ, thậm chí có trường bỏ phương thức xét tuyển này và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng.
Theo các chuyên gia, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trên website của các trường về tiêu chí, điều kiện, quy trình, hình thức xét tuyển… để tận dụng được tất cả các cơ hội xét tuyển sớm.
TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng, việc đa dạng phương thức xét tuyển sẽ giúp các trường tăng cơ hội chọn được những thí sinh tốt, phù hợp với ngành và mục tiêu của chương trình đào tạo.
Về từng phương thức xét tuyển phổ biến hiện nay, ông Hà đánh giá, việc tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT được đa số các trường lựa chọn, tuy nhiên tỉ lệ chỉ tiêu ngày càng giảm xuống.
Đối với xét tuyển dựa trên các kỳ thi đánh giá năng lực do một số trường tổ chức, mặc dù đây là kỳ thi đánh giá tương đối chính xác, sát với năng lực thí sinh nhưng nhược điểm số lượng các em tham gia các bài thi này hiện nay chưa nhiều.
Trong các phương thức xét tuyển được các trường sử dụng, ông Hà cho rằng, xét tuyển học bạ vẫn là một phương thức thí sinh nên tính đến, đặc biệt là xét kết hợp với các phương thức khác.
TS. Trần Mạnh Hà cho biết, Học viện Ngân hàng vẫn sử dụng dựa trên kết quả học tập THPT, tuy nhiên sẽ có kết hợp thêm điểm cộng khuyến khích cho những em đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi từ tỉnh/thành phố trở lên, học sinh các trường chuyên.
Theo ông Hà, mỗi trường sẽ có công thức xét tuyển riêng nhưng mục đích cuối cùng là nhằm chọn được những thí sinh giỏi, xuất sắc, phù hợp với các yêu cầu của nhà trường.