Sân khấu truyền thống nỗ lực chinh phục khán giả
Tuy gặp nhiều thách thức từ các loại hình giải trí hiện đại nhưng các đơn vị nghệ thuật truyền thống vẫn nỗ lực chuyển động với những hướng đi mới nhằm chinh phục khán giả.
Đẩy mạnh truyền thông số
Mới đây, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam, khán giả Thủ đô đã có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm đặc sắc của Nhà hát như: “Kiều” (tác giả chuyển thể nhà văn Nguyễn Hiếu, cố đạo diễn NSND Anh Tú), “Bệnh sĩ” (cố tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Tuấn Hải), “Bão tố Trường Sơn” (cố tác giả Trương Minh Phương, cố đạo diễn NSND Anh Tú), “Người yêu Hoa hậu” (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Tùng Linh)… Đây được xem là hướng đi mở đưa công chúng đến gần hơn với sân khấu truyền thống.
Không những thế, hiện, trên fanpage của Nhà hát Kịch Việt Nam, các thông tin về chương trình biểu diễn, về các vở kịch đang dàn dựng, chuẩn bị ra mắt khán giả liên tục xuất hiện. Cùng đó, những mẩu chuyện vui, những câu chuyện hài hước trong nghề diễn hay những hoạt động khác của nhà hát cũng thường xuyên được chia sẻ với công chúng.
Để tăng sự tương tác, Nhà hát Kịch Việt Nam còn tổ chức những mini show dành cho người yêu sân khấu tham gia, phần thưởng là những tấm vé đi xem các chương trình biểu diễn của nhà hát… qua đó, thu hút một lượng lớn khán giả thường xuyên đến rạp.
Tương tự, Nhà hát Tuổi trẻ cũng thường xuyên livestream trên trang fanpage của Nhà hát để giới thiệu các vở kịch sắp diễn, các chương trình ưu đãi khi khán giả mua vé. Các nghệ sỹ của Nhà hát rất tích cực giới thiệu về vở diễn, giao lưu trực tuyến với khản giả.
Nhà hát còn khuyến khích khán giả thanh toán online, đặt vé qua ví VNPay sẽ nhận ưu đãi giảm giá. Đặt vé online, soát vé bằng việc quét mã QR được áp dụng dễ dàng, thuận tiện, mang lại sự hài lòng cho khán giả thay vì gọi điện hay đến trực tiếp Nhà hát mua vé.
Theo NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng trên fanpage của Nhà hát, theo từng giai đoạn để từ đó có những điều chỉnh hợp lý.
Việc quảng bá hiệu quả đã đóng góp tích cực về doanh thu phòng vé. Việc Nhà hát tương tác, trả lời khán giả trên các trang mạng xã hội được xác định như khâu chăm sóc khách hàng...
Trang fanpage của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đẩy mạnh việc đăng tải các thông tin về những chương trình xiếc mới, các tiết mục biểu diễn xiếc đặc sắc của các nghệ sỹ, những chương trình biểu diễn, giao lưu của các nghệ sỹ với khán giả… Từ thông tin được giới thiệu trên fanpage, nhiều khán giả yêu nghệ thuật xiếc đã tìm hiểu, liên hệ để đến xem biểu diễn…
Cần có sự chuyển mình
Khi các loại hình giải trí hiện đại phát triển vượt bậc, nhiều đơn vị nghệ thuật rơi vào tình trạng thiếu hụt khách trầm trọng. Với quyết tâm đi tìm sức sống mới cho sân khấu, thời gian qua không ít đơn vị nỗ lực tìm tòi sáng tạo để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng. Thế nhưng, thẳng thắn mà nói, sân khấu truyền thống hiện vẫn thiếu khán giả trẻ.
Thừa nhận sân khấu hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thu hút khán giả trẻ, tác giả Lê Thế Song cho rằng bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ quá nhiều sự lựa chọn, nếu sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ rích thì lớp trẻ không thích là điều dễ hiểu.
Theo tác giả Lê Thế Song, muốn thu hút khán giả trẻ, sân khấu truyền thống cần có sự đổi mới. "Trước hết chúng ta cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ.
Muốn vậy, người viết kịch bản ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống, biết chắt lọc những nét tinh hoa truyền thống kết hợp hài hòa với những yếu tố hiện đại, được yêu thích, như công nghệ sân khấu mới, “bắt tay” giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau… để sáng tạo ra một tác phẩm sân khấu hấp dẫn.
Chúng ta phải coi con đường nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, đôi lúc tưởng chạm đến rồi nhưng còn đỉnh cao khác chờ đón, nếu nghĩ rằng mình đã đến đỉnh thì đương nhiên chỉ còn tụt dốc mà thôi. Điều khiến tôi day dứt, trăn trở đó là bản thân chưa thật sự bằng lòng với tác phẩm nào. Tôi nghĩ mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Nghề viết vô cùng gian nan và tác phẩm hay nhất của tôi là tác phẩm tôi chưa viết,” nhà viết kịch Lê Thế Song bày tỏ.