Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai: ‘Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới’
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới áp lực, mỗi cá nhân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ công việc đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Và với vai trò “trồng người” đi kèm rất nhiều mong đợi và kỳ vọng từ xã hội, người giáo viên còn phải chịu nhiều áp lực mang tính đặc thù của nghề nghiệp.
Làm nghề giáo, thầy cô được xã hội đặt trên vai một nhiệm vụ khá nặng nề với những yêu cầu khắt khe hơn nhiều ngành nghề khác. Những tiêu chí của người giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”, “mẫu mực”, “mô phạm” vừa là những chuẩn mực để giáo viên hướng tới, nhưng đồng thời, đó cũng là những áp lực, khiến họ phải gồng mình trong khi bản thân họ còn phải thực hiện rất nhiều vai trò khác trong gia đình và xã hội với những lo toan của đời sống thường nhật đầy thách thức.
Chúng ta hãy hình dung sự quá tải nhiệm vụ của người giáo viên khi bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, họ còn phải soạn giáo án, chấm bài, thực hiện nhiều công việc giấy tờ, tham gia các cuộc thi giáo viên, đề xuất sáng kiến kinh nghiệm… Những công việc này chiếm rất nhiều thời gian mà đôi khi không được ghi nhận. Ngoài ra, những yêu cầu trong cải tiến chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình khiến các giáo viên cũng liên tục phải học hỏi, cập nhật kiến thức.
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới áp lực, mỗi cá nhân đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ công việc đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Và với vai trò “trồng người” đi kèm rất nhiều mong đợi và kỳ vọng từ xã hội, người giáo viên còn phải chịu nhiều áp lực mang tính đặc thù của nghề nghiệp.
Làm nghề giáo, thầy cô được xã hội đặt trên vai một nhiệm vụ khá nặng nề với những yêu cầu khắt khe hơn nhiều ngành nghề khác. Những tiêu chí của người giáo viên “vừa hồng, vừa chuyên”, “mẫu mực”, “mô phạm” vừa là những chuẩn mực để giáo viên hướng tới, nhưng đồng thời, đó cũng là những áp lực, khiến họ phải gồng mình trong khi bản thân họ còn phải thực hiện rất nhiều vai trò khác trong gia đình và xã hội với những lo toan của đời sống thường nhật đầy thách thức.
Chúng ta hãy hình dung sự quá tải nhiệm vụ của người giáo viên khi bên cạnh việc giảng dạy trên lớp, họ còn phải soạn giáo án, chấm bài, thực hiện nhiều công việc giấy tờ, tham gia các cuộc thi giáo viên, đề xuất sáng kiến kinh nghiệm… Những công việc này chiếm rất nhiều thời gian mà đôi khi không được ghi nhận. Ngoài ra, những yêu cầu trong cải tiến chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình khiến các giáo viên cũng liên tục phải học hỏi, cập nhật kiến thức.
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai, một yếu tố nữa ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người giáo viên trong thời 4.0 khi một phản ứng nhỏ của thầy cô giáo đều có thể bị ghi lại, phát tán, và lan truyền bất cứ lúc nào. Khi mà thầy cô giáo được kỳ vọng quá thì chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể trở thành “mồi lửa” của sự phán xét, đổ lỗi.
Bên cạnh đó, việc liên lạc giữa phụ huynh và giáo viên hiện nay khá thuận tiện qua mạng xã hội, nhưng đôi khi cũng ảnh hưởng đến thời gian và đời sống riêng của giáo viên. Có những giáo viên đến nửa đêm vẫn phải trả lời những câu hỏi từ phía phụ huynh, nếu không thì sẽ bị trách là chưa nhiệt tình hoặc thiếu trách nhiệm.
“Những áp lực trên tạo nên những gánh nặng tâm lý và có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần của giáo viên”, Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai nói và cho biết thêm, trong Hội thảo với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc” do Trường Đại học Giáo dục chủ trì đã cho thấy một bức tranh về thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần của giáo viên trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Và tỉ lệ giáo viên có những dấu hiệu của trầm cảm, lo âu hay những rối loạn tâm thần khác đang gia tăng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Khi những căng thẳng của thầy cô giáo không được giải tỏa một cách lành mạnh, học sinh sẽ dễ trở thành nạn nhân. Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một số vụ việc đáng buồn trong cách ứng xử của giáo viên, trong đó thầy cô có những lời nói, hành động chưa phù hợp với học sinh của mình.
Thực tế, khi đề cập đến tâm lý trong giáo dục, chúng ta thường tập trung đến khía cạnh tâm lý của học sinh mà chưa thực sự quan tâm đến tâm lý của giáo viên - chủ thể quan trọng trong hoạt động dạy học. Và khi đó, trong chương trình đào tạo, các trường sư phạm chưa có những môn học để giúp những giáo viên tương lai nhận thức đúng về nghề nghiệp, hiểu về bản thân mình, về những vấn đề tâm lý có thể nảy sinh khi giảng dạy và cách để vượt qua những vấn đề đó một cách lành mạnh, hiệu quả.
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai thích câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Nếu các thầy cô giáo không hạnh phúc và bình an, họ sẽ rất khó để đem lại hạnh phúc cho học trò: “Bởi vậy, những nhà quản lý giáo dục và bản thân các thầy cô giáo cần ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên và có những hành động cụ thể.
Bên cạnh triển khai các mô hình “Trường học hạnh phúc” với việc thúc đẩy môi trường làm việc mang tính hỗ trợ cho giáo viên, tăng cường thái độ tích cực của giáo viên, sự hợp tác của các thành viên trong nhà trường; các chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần cần được thực hiện để trang bị cho giáo viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Giáo viên cần biết cách nhận diện các yếu tố nguy cơ, biểu hiện của một số rối loạn tâm thần phổ biến và cách ứng phó lành mạnh, để từ đó vượt qua được những khó khăn và làm tròn trách nhiệm của mình trong sự tự hào và niềm vui nghề nghiệp”.
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai có hơn 17 năm làm việc trong lĩnh vực đào tạo, phát triển các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tham vấn tâm lý cho người lớn và trẻ em… Chị là giảng viên cấp quốc gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), là chuyên gia tư vấn cho các dự án của các tổ chức trong nước và quốc tế (Childfund, PLAN, Good Neighbors, CGEFED, Light…). Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Mai còn là diễn giả của các chương trình truyền hình, các chương trình giáo dục kỹ năng, và nhận nhiều bằng khen cho đóng góp về giáo dục và các hoạt động công tác xã hội…