Sống chậm nơi biên thùy
Ở vùng cao ngày nay vẫn còn nhiều ngôi làng giản dị, bình yên, được những vị khách yêu thích cảnh trầm lắng tìm đến, trải nghiệm. Nơi đó, bà con dân tộc vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Thêm nữa, thời gian như trôi chậm lại giữa bao xô bồ, giúp mỗi người có cảm giác sống chậm lại.
Đi để thấy đất trời rộng mở
Lào Cai có nhiều vùng đất trữ tình, như Y Tý, một vùng đất độc đáo của huyện Bát Xát. Theo cảm nhận của nhiều người đi phượt, núi non ở Y Tý không quá hùng vĩ như Hà Giang, không ồn ào náo nhiệt như Sa Pa, không tươi mới như Mộc Châu, nhưng nơi này đem lại cảm giác quen thuộc, gần gũi, trầm lắng không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn là những người dân chân chất.
Cách đây chục năm, tôi đã ấn tượng với những ngôi nhà trình tường của xã Y Tý - bản sắc riêng của đồng bào Hà Nhì nơi đây.
Chị Bùi Phương Thảo, du khách từ Hà Nội, tâm sự: “Tôi thích những không gian khoáng đạt, không ồn ào. Ở đó có thể hòa vào cảnh sắc thiên nhiên để tìm kiếm sự kỳ thú, để thấy đất trời rộng mở. Y Tý cho tôi cảm giác như thế khi đắm mình vào những cung đường, bản làng ở đây”.
Còn bà Lưu Vân Anh - cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, chia sẻ: “Kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì có phần đặc biệt hơn là được làm dạng hình hộp, vuông vức. Mái nhà dốc ngắn, được lợp bằng cỏ tranh. Các ngôi nhà nằm san sát nhau, nhìn xa như những chiếc nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, ẩn hiện trong sương mây tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Người Hà Nhì thường làm nhà vào mùa nông nhàn từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Để có được những ngôi nhà trình tường hình nấm độc đáo, đồng bào Hà Nhì với sự khéo léo, thông minh, cũng cần tốn rất nhiều công sức và thời gian, thậm chí kéo dài hàng tháng. Sau khi tìm được địa điểm và mẫu đất ưng ý, đồng bào Hà Nhì bắt đầu làm móng nhà”.
Tâm sự với già làng Ly Hờ Suy ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý, tôi càng thêm yêu mảnh đất này và thấy rằng, được đặt chân đến đây là một niềm hạnh phúc. Ông Ly Hờ Suy hiểu đất, khí hậu và “tính cách” của từng quả núi, con suối, cũng là kho câu chuyện mà nhiều người đến đây thường tìm gặp. Chia sẻ về nhà trình tường, một trong những nét đặc trưng ở Y Tý, ông Suy cho biết: Từ năm 2016 đến nay mới có nhà làm lợp ngói, chứ trước đây cả thôn là nhà trình tường. Móng nhà được đào sâu xuống nền đất khoảng 2 gang tay và được xếp bằng những viên đá cao hơn mặt đất một khoảng.
Mô tả về cách làm nhà, ông Suy cho hay, móng nhà trình tường thường được đặt bằng những viên đá lớn, để theo thời gian chống chọi với chân tường dù bị ẩm ướt và thêm phần vững chắc. Sau đó đặt khuôn gỗ và đổ đất vào, dùng chày gỗ giã mạnh cho đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ ra mà tường đất không nứt, vỡ. Mỗi khuôn dài 2 - 2,5m, rộng 60cm và mỗi bức tường được làm từ 6 - 8 khuôn xếp lên nhau. Để hoàn thiện một ngôi nhà, người dân phải nhờ nhiều anh em, hàng xóm đến giúp.
Khí hậu của Y Tý quanh năm mát mẻ, vào mùa đông thường có sương mù, băng tuyết. Điều kiện tự nhiên thuận lợi này giúp Y Tý trở thành điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng (sản phẩm trải nghiệm mùa hè; chăm sóc sức khỏe gắn với tri thức của đồng bào các dân tộc về sử dụng thảo dược..), du lịch sinh thái (sản phẩm: du lịch săn mây, du lịch trải nghiệm các mùa hoa đỗ quyên vào tháng 4).
Đến Y Tý không chỉ được tận hưởng bầu không khí trong lành mà còn được phóng tầm mắt ngắm đất trời bao la, ngắm mây hưởng gió. Bạn được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào Hà Nhì, nghỉ dưỡng trong những ngôi nhà trình tường, sẽ đem lại cho bạn sự thư thái, yên bình mà quên đi mọi mệt nhọc, xô bồ nơi thị thành.
Cũng thuộc tỉnh Lào Cai, thôn Trung Đô (huyện Bắc Hà) đang lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, điển hình là lễ hội Lồng tồng, những nếp nhà sàn. Nhiều năm qua người dân Tày, Nùng nơi đây còn dùng nhà sàn và chính những nét đời sống văn hóa phong phú của đồng bào để khai thác du lịch. Lợi thế vì có dòng sông Chảy chảy qua, địa phương còn được thiên nhiên ban tặng cho hệ sinh thái đa dạng, với nhiều cảnh quan đẹp và hấp dẫn. Đặc biệt là những nét văn hóa của chợ phiên, thành cổ Trung Đô, các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Tới nay, thôn Trung Đô đã có 50 hộ gia đình người Tày làm du lịch cộng đồng rất hiệu quả. Đền Trung Đô được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, thờ gia quốc công Vũ Văn Mật cùng dòng họ Vũ và tướng quân Hoàng Văn Thùng đã có công lao to lớn lãnh đạo nhân dân kiên trì bám trụ, đắp thành, xây lũy chống lại thế lực nhà Mạc. Tiềm năng kinh tế du lịch cũng là một giá trị không thể thiếu đối với di tích Trung Đô.
Khách đến Trung Đô sẽ có thể được tham quan rất nhiều cảnh đẹp theo một hệ thống liên hoàn với các điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn như hang Tiên, gốc cây gạo, thành cổ Trung Đô, cảnh đẹp Cốc Ly và ngược trên nữa là đền Bắc Hà, Dinh thự Hoàng A Tưởng…
Anh Phạm Văn Thủy là người đầu tiên xây dựng nhà sàn, với đầy đủ tiện nghi để đón khách du lịch ở Trung Đô. Anh Thủy cho biết, du khách từ Sa Pa hiện nay kết nối rất tốt với Trung Đô. Cũng bởi, Trung Đô có những vẻ đẹp mà không phải ở đâu cũng có được. Ven sông Chảy là cánh đồng cát mênh mông, có khu vực nhiều sỏi, tạo cảm giác mới lạ khi đến một địa phương ở vùng núi.
Có một nơi cũng chờn vờn mây trắng, thời gian như chậm lại, đó là một bản người Mường ở đỉnh núi Thung, xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Mấy năm trở lại đây, những khách du lịch trẻ thích khám phá đã “đặt chân” đến đỉnh Thung ngắm mây, trải nghiệm cảm giác lạ, biệt lập, bình yên và ngắm những ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị.
Để lên đỉnh Thung có hai con đường, một là đường mòn, nhưng đó chỉ là đường để người dân đi bộ xuống chợ. Leo dốc vất vả vô cùng. Một con đường khác là từ trụ sở UBND xã Quý Hòa kéo lên tận đỉnh Thung cao 1.200m so với mặt nước biển. Đoạn đường dài 8km gập ghềnh khó đi. Nghe người dân kể lại rằng con đường này chỉ mới hình thành từ cuối năm 2006, do trên đồi có một cái mỏ, phải làm lên để cho công nhân khai thác.
Cuộc sống xui bước chân lên đường
Ở vùng cao, còn nhiều ngôi làng mà cảnh sắc, cuộc sống vẫn hằng xui khiến những bước chân bạn trẻ lên đường, trải nghiệm, như làng đá Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Đây là ngôi làng sở hữu những bức tường đá độc đáo, liên kết với nhau thành lũy, năm xưa do người dân dựng nên để chống phỉ. Người già lý giải, làng Thạch Khuyên có nghĩa, Thạch là đá, Khuyên là vòng tròn, ý nói đến bức tường đá vòng tròn quanh làng, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Tường đá có móng rộng 3m, chiều cao 5m. Bên trên mặt tường, người dân có thể đi tuần. Đỉnh cao nhất được rào bằng các vật sắc nhọn, ngăn không cho phỉ trèo lên.
Cũng ở Lạng Sơn, thảo nguyên Đồng Lâm thuộc xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) đã trở thành điểm đến thú vị. Nơi đây, người dân đã tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch.
Theo tìm hiểu, Đồng Lâm sở hữu cánh đồng cỏ rộng gần 100ha với thảm thực vật phong phú, những vách núi đá hoang sơ, hồ nước trong xanh, thác nước và suối... mang vẻ đẹp hùng vĩ lại hữu tình, làm say đắm biết bao du khách.
Ở Cao Bằng, làng đá Khuổi Ky cũng nổi tiếng với lịch sử lâu đời và gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo, khác biệt. Làng Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, có lợi thế lưng tựa núi vững chắc và mặt hướng về không gian rộng suối Khuổi Ky trong lành quanh năm.
Làng có 14 căn nhà được xây dựng bằng đá độc đáo, tạo nên vẻ đẹp bình yên, đặc trưng của đời sống người dân tộc vùng biên giới. Ngay từ khúc lối vào, du khách có thể nhìn thấy những con đường lát đá hoàn toàn.
Ngay cả kè hai bên đường cũng được người ta lát đá. Càng vào sâu bên trong, du khách càng có dịp trầm trồ trước những tường đá cổ kính và rêu phong, rồi tiếp tục thích thú trước kiến trúc xây dựng bằng đá của những ngôi nhà sàn trong làng đá.
Phía trước cổng đá mỗi ngôi nhà đều được trang trí bằng những chậu hoa rừng tươi tắn và xinh đẹp. Bên cạnh đó, người dân làng đá Khuổi Ky còn dùng đá để làm các đồ dùng sinh hoạt và vật cụ lao động hàng ngày như cối xay, bếp đập nước...
Suốt mấy trăm năm qua, làng đá Khuổi Ky vẫn giữ nguyên vẹn nét bình yên và cổ kính vốn có. Cứ mỗi buổi chiều tà, khói chiều từ bếp củi phả vào không gian, lan tỏa một góc trời.