Đảm bảo mọi người dân đều có Tết
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có công điện yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức chi trả trợ cấp an sinh xã hội, cho người dân qua tài khoản ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong năm 2024.
Bộ LĐTBXH đề nghị các địa phương quán triệt, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc địa bàn, thực hiện công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản trong dịp Tết.
Sở LĐTBXH địa phương phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thuộc ngành cùng với lực lượng công an tại địa phương rà soát, làm sạch dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng, để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở đó, làm nguồn phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách.
Cùng với đó, các ngành, các cấp có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tự nguyện mở tài khoản ngân hàng, phục vụ công tác nhận trợ cấp an sinh xã hội. Phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.
Theo Bộ LĐTBXH, trong năm qua, ngành đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, và 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích được triển khai tại 61 tỉnh, thành phố, với trên 11.000 điểm chi trả bao phủ đến tận xã, phường. Các phương thức chi trả đảm bảo thuận tiện và phù hợp với đặc điểm của đối tượng thụ hưởng chính sách.
Liên quan đến công tác chăm lo Tết cho người dân, trao đổi với phóng viên về hoạt động chăm lo cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, Bộ đang phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Theo ông Đức, thực hiện Chỉ thị 26 của Ban Bí thư, ngày 15/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm cho người dân đón Tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai những nội dung này và đưa ra giải pháp cụ thể, bảo đảm các địa phương triển khai kịp thời. Đến thời điểm này các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết và phương án hỗ trợ cho những nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, dự kiến mức hỗ trợ phổ biến từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/đối tượng. Một số địa phương có điều kiện ngân sách lớn như TPHCM đang dự kiến chi khoảng 915 tỷ đồng, chi từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/đối tượng với khoảng 475.000 suất quà. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng dự kiến chi khoảng 558 tỷ đồng tặng quà cho những đối tượng chính sách, người gặp khó khăn.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, theo ông Đức, đến thời điểm hiện tại, số liệu báo cáo nhanh của 15/63 tỉnh, thành phố cho thấy, đã huy động được 1.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 2,5 triệu người trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Dự kiến nguồn lực huy động của các địa phương hỗ trợ cho người dân đón Tết Nguyên đán năm 2024 hơn 10.000 tỷ đồng và có hơn 10 triệu người được hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội hóa.
Về công tác hỗ trợ gạo, tính đến ngày 11/1, có 15 tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 14.000 tấn gạo, cứu đói cho hơn 180.000 hộ với 935.466 nhân khẩu. Trong đó, số cứu đói Tết này trên 11.551 tấn gạo, tương ứng khoảng 770.000 nhân khẩu; hỗ trợ cứu đói giáp hạt hơn 2.617 tấn gạo cho 165.341 nhân khẩu. Để đảm bảo không để người dân thiếu gạo trong dịp Tết, Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi các địa phương để rà soát, đánh giá, tổng hợp số người dân có nguy cơ thiếu đói và huy động nguồn lực từ ngân sách, xã hội để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo không có người dân nào bị đói, không có Tết. Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và đã hỗ trợ trên 1.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Bộ LĐTBXH, trong năm qua, ngành đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, và 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích được triển khai tại 61 tỉnh, thành phố, với trên 11.000 điểm chi trả bao phủ đến tận xã, phường.