Quốc tế

Vì sao Saudi Arabia giảm giá dầu?

Mai Phương 19/01/2024 09:20

Việc Saudi Arabia bất ngờ giảm giá dầu xuất khẩu trong đầu năm mới có liên quan đến những thay đổi trong chính sách kinh doanh hay cuộc chiến dành thị phần?

anh-bai-chinh-18-1.jpg

Phản ứng với thay đổi của thị trường

Vào ngày 7/1, Saudi Arabia đã giảm giá bán chính thức (OSP) tháng 2 của loại dầu thô nhẹ sang châu Á với mức giảm 2 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Châu Á là thị trường lớn nhất của vương quốc này, mua phần lớn dầu thô của Saudi Arabia.

Động thái trên của Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh từ các nhà cung cấp đối thủ ngày càng gia tăng và lo ngại về dư thừa nguồn cung “nóng” trở lại. Việc cắt giảm này làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu trên thị trường khu vực và toàn cầu, đồng thời khiến giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế kỳ hạn giảm 3% vào ngày 8/1.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết, việc Saudi Arabia cắt giảm giá bán dầu thô sang châu Á chỉ phản ánh các yếu tố cơ bản về cung và cầu yếu hơn chứ không bao hàm ngụ ý về sự thay đổi sắp xảy ra trong chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) hay cuộc chiến giành thị phần.

Đối với một số nhà quan sát, việc điều chỉnh giá làm sống lại ký ức về những thay đổi chính sách của Saudi Arabia vào tháng 3/2020 và tháng 11/2014 khi quốc gia này giảm giá và tăng sản lượng nhằm tăng thị phần.

Các nhà phân tích và nguồn tin trong ngành cho biết, đợt cắt giảm lần này đã đưa giá dầu thô của Saudi Arabia ngang bằng với giá của các nhà sản xuất khác. Trước đó, họ đã tăng giá trong 5 tháng liên tiếp đến tháng 11/2023.

Bà Helima Croft của RBC Capital Markets cho biết: “Chúng tôi không coi việc giảm giá mới nhất là dấu hiệu của một sự thay đổi sắp xảy ra, mà thay vào đó, việc giá giảm để phù hợp với các mức giá toàn cầu khác phản ánh thị trường dầu đang yếu hơn”.

Nguồn cung dầu thô tăng do sản lượng tăng từ các nước ngoài OPEC như Brazil và Mỹ đã làm suy yếu tác động của việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và các thành viên khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Dữ liệu của Kpler - công ty chuyên về dữ liệu nguyên liệu thô cho thấy, các chuyến hàng dầu thô từ Iran được miễn cắt giảm sản lượng của OPEC đạt trung bình 1 triệu thùng/ngày tới châu Á trong tháng 12, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Gary Ross - Giám đốc điều hành của Black Gold Investor và là nhà quan sát kỳ cựu của OPEC cho biết, việc cắt giảm giá dầu của Saudi Arabia là để phản ứng với những thay đổi của thị trường, chẳng hạn như giảm chênh lệch nguồn cung kịp thời đối với dầu thô giao sau và lợi nhuận lọc dầu yếu hơn. “Họ cần cải thiện khả năng cạnh tranh và vẫn có giá cao hơn” – ông Ross nói.

Một nhà quan sát của OPEC cho biết, thật sai lầm khi coi việc giảm giá là dấu hiệu của cuộc chiến giành thị phần sắp xảy ra. Giá dầu chỉ đơn giản là trở lại mức bình thường do bị định giá quá cao.

Không có sự thay đổi chính sách

Nhóm OPEC+ đang thực hiện cắt giảm thêm sản lượng trong quý đầu tiên của năm 2024, nâng tổng số hạn chế được áp dụng lên gần 6 triệu thùng/ngày. Một cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 1/2 để đánh giá thị trường. Nhưng một nguồn tin của OPEC+ cho biết, cuộc họp dự kiến sẽ không thay đổi chính sách.

Vào tháng 3/2020, hiệp ước OPEC+ đã kết thúc sau một thời gian ngắn khi Nga từ chối hỗ trợ cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn để đối phó với tác động lên nhu cầu của thế giới trong thời kỳ Covid-19. Đáp lại, Saudi Arabia đã tăng sản lượng và giảm giá bán chính thức.

Sau đó, việc giảm giá của Saudi Arabia còn quyết liệt hơn so với đợt giảm giá mới nhất này. Vào tháng 4/2020, Saudi Arabia đã hạ 6 USD/thùng giá bán chính thức ở châu Á, khiến giá dầu toàn cầu trượt dốc và một tháng sau đó tiếp tục cắt giảm thêm 4,20 USD.

Sự thay đổi chính sách của Saudi Arabia vào tháng 11/2014 nhằm đối phó với sự bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ đã dẫn đến giá lao dốc xuống dưới 50 USD/thùng và tình trạng dư cung toàn cầu kéo dài 2 năm chỉ và chấm dứt sau khi OPEC+ được thành lập vào cuối năm 2016 và bắt đầu hạn chế đầu ra.

Trong bối cảnh hiện tại, thành viên OPEC đã hạ thấp vấn đề thị phần, dẫn quan điểm của nhóm này rằng, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC sẽ chậm lại và thị phần của các thành viên sẽ phục hồi khi họ duy trì đầu tư vào năng lực sản xuất.

Khi phần lớn thế giới tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng ít carbon, các nhà điều hành dầu mỏ phương Tây cho biết, việc không đầu tư vào thăm dò sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong trung hạn.

Bà Croft cho biết, thật khó để thấy việc quay trở lại cuộc chiến giành thị phần sẽ cải thiện tình hình tài chính của Saudi Arabia vào năm 2024, vì sẽ phải mất nhiều tháng để việc giảm giá làm chậm hoạt động sản xuất đá phiến của Mỹ. Bà Croft cũng lưu ý rằng, mối quan hệ của Saudi Arabia với Nga dường như đang có nền tảng vững chắc.

Trong nghiên cứu mới được công bố, ngân hàng Barclays khẳng định: “Nhu cầu chững lại và bất ổn tại Trung Đông đã khiến cho nhiều nhà sản xuất, người tiêu dùng và các thành viên thị trường cảm thấy bi quan về triển vọng giá dầu”. Barclays hạ dự báo giá dầu trung bình năm 2024 xuống còn 85 USD/thùng, mức điều chỉnh giảm 8 USD/thùng so với dự báo gần nhất.

Mai Phương